Ngân hàng bảo đảm nguồn vốn lâu dài cho chăn nuôi lợn
NHNN đã thực hiện tái cơ cấu khoản nợ (giãn nợ) cho người chăn nuôi lợn đạt 364,7 tỷ đồng. Nếu bà con vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi lợn, NHNN có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm.
Đây là khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017.
Thời gian qua, người nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do giá cả thu mua sụt giảm, nhiều ý kiến đã đề cập về việc hỗ trợ của NHNN trong hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất thấp cho bà con nông dân đỡ khó khăn.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30 nghìn tỷ đồng, trong đó, cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ đồng, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679 tỷ đồng, chiếm 57%, với số lượng số hộ nông dân và DN kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn vay nợ ngân hàng.
Ngay từ khi các DN và hộ nông dân nuôi lợn không bảo đảm được thời hạn trả nợ, NHNN đã cử các đoàn đi khảo sát, tập trung ở một số tỉnh có số chăn nuôi lớn như Đồng Nai. Cho đến nay, số tiền đã xử lý ngay cho những hộ gia đình và DN để thực hiện tái cơ cấu lại khoản nợ, tức là giãn nợ, đạt 364,7 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạm hoãn, giãn thời hạn trả nợ, không chuyển nợ nhóm (tức là giữ nguyên nhóm 1) với thời hạn thích hợp cho việc tiêu thụ sản phẩm với bà con chăn nuôi gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và đặc biệt xem xét từng trường hợp cụ thể để có biện pháp miễn, giảm lãi vay, kể cả lãi suất nợ quá hạn để hỗ trợ bà con.
Mới đây nhất, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ NN&PTNT và chỉ đạo của NHNN, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) đã có chủ trương giảm lãi vay với hộ nuôi lợn trên toàn quốc.
Theo đó, từ ngày 10/5/2017, Kienlongbank sẽ xem xét giảm 30% lãi suất cho vay hiện hữu đối với các khách hàng hoạt động sản xuất – kinh doanh chăn nuôi lợn đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank trong thời gian qua. Thời gian triển khai chương trình dự kiến là 3 tháng (90 ngày).
Trong thời gian này, Kienlongbank sẽ hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Về dài hạn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết để tránh trường hợp “thừa hiện tại nhưng thiếu hụt cung về sau” do bà con ồ ạt bỏ chăn nuôi lợn do thua lỗ, NHNN khẳng định chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm, nhưng phải trên cơ sở bảo đảm có lãi.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()