Ngăn chặn gian lận qua hoạt động kinh doanh thương mại điện tử: Siết chặt kiểm tra, tăng cường xử lý
- Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân càng tăng cao. Lợi dụng tình hình đó, một số cơ sở kinh doanh, nhất là các cơ sở kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) đã lợi dụng đặc thù của hình thức kinh doanh online để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát hoạt động của các cơ sở kinh doanh theo hình thức TMĐT trên địa bàn tỉnh.
Số vụ vi phạm gia tăng
Trong tháng 11/2024, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục QLTT tỉnh về kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm trên môi trường TMĐT, Đội QLTT số 1 (phụ trách địa bàn thành phố Lạng Sơn) đã tổ chức kiểm tra 6 cơ sở có hoạt động kinh doanh thông qua các trang mạng xã hội, phát hiện cả 6 cơ sở đều có hành vi vi phạm như: bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: Thực hiện Công văn số 1217 ngày 18/10/2024 của Cục QLTT tỉnh về kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường TMĐT, đội đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT.
Theo báo cáo của Cục QLTT tỉnh, trong hơn 11 tháng của năm 2024, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 205 vụ việc các cơ sở tham gia hoạt động kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay (Facebook, zalo, tiktok, các website bán hàng của cơ sở kinh doanh…) có hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng. |
Ngoài Đội QLTT số 1, trong tháng 11/2024, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 24 vụ việc các đối tượng có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT, tăng 0,9% so với tháng 10/2024. Cơ quan QLTT tỉnh đã xử phạt các cơ sở có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường TMĐT là 137 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là gần 120 triệu đồng.
Qua trao đổi với lãnh đạo các đội QLTT, được biết, qua biện pháp nghiệp vụ, lực lượng QLTT nhận thấy các cơ sở kinh doanh đã sử dụng tài khoản mạng xã hội thực hiện livestream giới thiệu, bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng các loại hàng hoá như: giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm… Tuy nhiên, khi kiểm tra, các chủ cơ sở kinh doanh đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa đã chào bán trên môi trường TMĐT.
Đồng bộ giải pháp
Qua trao đổi với lãnh đạo Cục QLTT tỉnh, được biết càng về thời điểm cuối năm, các cơ sở hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT càng gia tăng các hoạt động bán hàng. Tuy vậy, bên cạnh những cơ sở kinh doanh theo đúng các quy định của pháp luật, một số cơ sở lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán online để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Trước tình trạng như vậy, Cục QLTT tỉnh đã và đang triển quyết liệc các biện pháp để kịp thời phát hiện, xử lý những cơ sở vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT. Theo đó, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT phụ trách các địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đội.
Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT, các đội QLTT đã bám sát địa bàn, phối hợp với chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng khác để rà soát, kiểm tra cơ sở có hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT có trên địa bàn, từ đó tổ chức triển khai biện pháp nghiệp vụ hữu hiệu để theo dõi các tài khoản mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn, các cơ sở có hoạt động kinh doanh TMĐT qua các trang mạng xã hội facebook, zalo, tiktok, telegram… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các cá nhân, cơ sở kinh doanh trên môi trường TMĐT có hành vi kinh doanh buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả.
Cùng với đó, lực lượng QLTT tỉnh phối hợp với Công an tỉnh xây dựng phương án điều tra, ngăn chặn hành vi buôn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… thông qua các trang mạng xã hội nhằm thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời và nghiêm những cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT.
Bên cạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, các đội QLTT phụ trách địa bàn các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh TMĐT để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, nghiên cứu phân loại đối tượng tuyên truyền theo chủ đề, tạo sức lan tỏa sâu, rộng để người dân tích cực, chủ động tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ trong thương mại truyền thống mà trong hoạt động TMĐT.
Với những biện pháp đang triển khai, lực lượng QLTT tỉnh đang quyết tâm ngăn triệt để tình trạng gian lận qua hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT, từ đó góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng đó, cơ quan QLTT tỉnh cũng khuyến cáo người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cần nâng cao kỹ năng nhận biết hàng giả, hàng nhái, không dễ dãi đặt mua hàng trên mạng xã hội mà không rõ địa chỉ kinh doanh, không rõ về nguồn gốc xuất xứ. Nếu phát hiện những hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng kịp thời thông tin đến cơ quan QLTT để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ý kiến ()