Ngăn gia cầm nhập lậu: Những thách thức
LSO-Theo báo cáo của Ban 127 tỉnh, 6 tháng đầu năm 2013, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, xử lý 560 vụ vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu, bằng 231,40% so với cùng kỳ năm 2012, tịch thu tiêu hủy nhiều loại sản phẩm như gà thịt, phủ tạng gà, vịt và hàng trăm nghìn con gia cầm giống nhập lậu. Tuy nhiên, do nguồn cung về con giống gia cầm ở trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của người chăn nuôi, điều này đã gây khó khăn và hiện là một trở ngại trong công tác ngăn chặn gia cầm nhập lậu của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng huyện Hữu Lũng bắt giữ hơn 500 kg gia cầm nhập lậu |
Trong 6 tháng, các lực lượng chức năng như Bộ đội biên phòng, QLTT, Công an, Hải quan, cùng với chính quyền một số huyện, thành phố đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn triệt để tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm và gia cầm giống nhập lậu. Không chỉ kiểm soát tại khu vực biên giới, trên đường lưu thông, mà các đơn vị đã phối hợp cùng chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các điểm chợ, các cơ sở kinh doanh giết mổ… Chính sự vào cuộc quyết liệt này đã khiến tình trạng buôn lậu, vận chuyển gia cầm trái phép, gia cầm nhập lậu giảm nhiều so với thời gian cùng kỳ. Tuy nhiên, do “cung” về gia cầm, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là tại thời điểm này, nhu cầu về con gia cầm giống đang rất lớn, do vậy, tình trạng buôn lậu, vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Đây chính là thách thức lớn nhất khiến các lực lượng chức năng khó lòng kiểm soát hết gia cầm nhập lậu tuồn sâu vào nội địa. Trong báo cáo của Ban 127 tỉnh khi nói về khó khăn và hạn chế trong công tác chống buôn lậu gia cầm cũng nêu rõ: việc sản xuất và cung ứng về giống gia cầm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước còn nhiều hạn chế; bên cạnh đó, việc nhập khẩu gia cầm giống theo con đường chính ngạch chưa được thực hiện, khiến mức cung ứng về gia cầm giống còn thiếu. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhập lậu gia cầm giống vẫn diễn ra.
Trong buổi sơ kết về công tác chống buôn lậu vừa qua, trao đổi về công tác ngăn chặn gia cầm nhập lậu qua biên giới, đại tá Vi Đình Diêm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: vào thời điểm này, do nhu cầu về con giống gia cầm, nhất là vịt, ngỗng giống trong nước đang tăng, trong khi lượng cung về gia cầm giống trong nước lại chưa đáp ứng đủ nên tình trạng vận chuyển gia cầm giống trái phép qua biên giới lại có chiều hướng gia tăng. Đơn cử, trong mấy ngày cuối tháng 6 vừa qua, Đồn Biên phòng Chi Ma đã bắt giữ được hàng trăm con ngỗng con giống nhập lậu được bà con vận chuyển trái phép về địa bàn. Cùng quan điểm này, ông Hoàng Ngọc Tuyên, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn chia sẻ: lượng con gia cầm giống trong nước hiện rất thiếu, nguyên nhân chính của việc này là do giá thức ăn gia súc, gia cầm trong thời gian qua tăng quá cao, điều này ảnh hưởng đến việc gây đàn để cung ứng gia cầm giống (theo thống kê của cơ quan chuyên môn, từ đầu năm 2013 đến nay, giá thức ăn gia súc tăng 2 – 3 đợt, thức ăn chăn nuôi tăng từ 24% đến 41% tùy theo từng loại. Thức ăn liên tục tăng khiến cho người chăn nuôi nhất là chăn nuôi theo quy mô trang trại gặp rất nhiều khó khăn).
Theo các thành viên Ban 127 tỉnh, khó khăn nhất hiện nay là các đối tượng vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu hoạt động rất tinh vi, vận chuyển bằng nhiều phương tiện; lại thường xuyên thay đổi biển số xe giả trên dọc tuyến đường để đánh lừa các lực lượng chức năng. Cùng với đó là hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm còn nhiều bất cập, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe; biện pháp xử lý tang vật vi phạm chưa thống nhất, tạo kẽ hở cho các đối tượng tiếp tục đưa gia cầm vào tiêu thụ trên thị trường… gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong kiểm tra, bắt giữ.
Cơ quan chức năng bắt xe máy vận chuyển gà lậu trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) – Ảnh: Đông Bắc |
Với những con số “biết nói” ở trên trong công tác ngăn chặn gia cầm nhập lậu thời gian vừa qua đã khẳng định những nỗ lực của tỉnh biên giới Lạng Sơn. Tuy nhiên, để có thể giải bài toán khó khăn, thách thức được nêu trong bài viết thì không chỉ phụ thuộc vào chính quyền tỉnh, mà thực sự cần có giải pháp ở tầm vĩ mô.
Ý kiến ()