Ngăn gia cầm giống nhập lậu: Quyết liệt từ biên giới đến nội địa
– Thời gian gần đây, các đối tượng buôn lậu đã gia tăng hoạt động nhập lậu, vận chuyển gia cầm giống (gà con, vịt con) trái phép qua biên giới và tìm mọi cách để đưa vào sâu trong nội địa tiêu thụ. Các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, không để gia cầm giống nhập lậu qua biên giới, thẩm lậu vào thị trường nội địa.
Cán bộ Đồn Biên phòng Chi Ma và Hải quan Cửa khẩu Chi Ma ngăn chặn, bắt giữ hơn 1.000 con gia cầm giống – Ảnh: Đồn Biên phòng Chi Ma cung cấp
Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống vào Việt Nam để tiêu thụ.
Phát hiện nhiều vụ vận chuyển gia cầm giống không rõ nguồn gốc
Đêm 16/9/2023, trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại đường mòn thuộc thôn Quân Phát, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, Tổ kiểm soát thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma phối hợp với Tổ tuần tra cơ động của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma phát hiện 5 xe máy chở lồng chứa gia cầm từ biên giới vào nội địa. Thấy lực lượng chức năng, các đối tượng đã bỏ chạy. Qua truy bắt, Tổ công tác của hai đơn vị đã bắt giữ đối tượng Lộc Văn Thiết (trú tại thôn Pò Vèn, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình) đang chở trên xe máy 1.050 con vịt giống. Kiểm tra ban đầu, đối tượng Thiết không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô gia cầm giống trên.
Đó chỉ là 1 trong 7 vụ vận chuyển gia cầm giống nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc mà lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh phát hiện, bắt giữ từ cuối tháng 8/2023 đến ngày 27/9/2023. Qua đó thu giữ gần 80.000 con vịt giống, gà giống. Hầu hết các con giống từ 5 – 10 ngày tuổi.
Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Đức Bính, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chi Ma cho biết: Thời điểm cuối tháng 8/2023 đến nay, hoạt động vận chuyển gia cầm, gia cầm giống trái phép qua khu vực biên giới Cửa khẩu Chi Ma bắt đầu phát sinh trở lại, đặc biệt, các đối tượng thường vận chuyển vào ban đêm hoặc rạng sáng. Điều này khiến công tác phát hiện, truy bắt gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, đồn đã chủ động phối hợp với lực lượng hải quan tại địa bàn, tăng cường hoạt động tuần tra khép kín trên tuyến biên giới, gia tăng chốt chặn tại các khu vực đường mòn, lối tắt để ngăn các đối tượng vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới.
Tìm hiểu được biết, hoạt động vận chuyển gia cầm, gia cầm giống nhập lậu, gia cầm giống không rõ nguồn gốc trong gần 8 tháng đầu năm không diễn ra, tuy vậy thời gian vừa qua, bắt đầu xuất hiện tình trạng các đối tượng buôn lậu thuê một số người dân ở các xã biên giới trên địa bàn mang vác, vận chuyển gia cầm giống trái phép qua tuyến biên giới để mang vào địa bàn các xã biên giới, sau đó thuê xe ô tô, xe máy chở vào các điểm tập kết, tìm cách vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
“Ngoài sự vào cuộc quyết liệt trên tuyến biến giới, với quyết tâm không để lọt gia cầm giống nhập lậu, gia cầm giống không rõ nguồn gốc vào khu vực nội địa, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo 389 các huyện biên giới để chỉ đạo song song với việc lập phòng tuyến ngăn chặn trên biên giới, khâu lưu thông, lực lượng công an huyện và quản lý thị trường phụ trách địa bàn tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và triệt phá những điểm tập kết gia cầm giống nhập lậu, gia cầm giống không rõ nguồn gốc.” Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh |
Đồng bộ các biện pháp ngăn chặn
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, hoạt động vận chuyển gia cầm giống nhập lậu, gia cầm giống không rõ nguồn gốc xuất xứ qua địa bàn vẫn đang được các lực lượng kiểm soát, ngăn chặn kịp thời. Tuy vậy, theo dự báo của các lực lượng chống buôn lậu, hoạt động vận chuyển gia cầm giống nhập lậu, gia cầm giống không rõ nguồn gốc của các đối tượng buôn lậu có dấu hiệu gia tăng cả về tần suất vận chuyển và số lượng gia cầm giống. Bởi theo thông tin trinh sát của các lực lượng, thời điểm này, nhu cầu về gia cầm giống tại địa bàn các tỉnh nội địa đang tăng cao, cùng đó, giá gia cầm giống cũng đang khá cao nên các đối tượng buôn lậu đang tìm mọi cách để vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới, đưa vào nội địa bán kiếm lời.
Đại tá Nông Quang Tám, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết: Trước tình hình hoạt động vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới có những diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng thành lập thêm tổ kiểm soát cơ động, tăng cường tuần tra ở những điểm mà các đối tượng buôn lậu hay thực hiện vận chuyển hàng lậu thuộc địa phận các xã Yên Khoái, Tú Mịch (Lộc Bình); Tân Thanh, Tân Mỹ (Văn Lãng); Bảo Lâm, Cao Lâu, Xuất Lễ (Cao Lộc)… Bên cạnh đó, các đồn biên phòng đẩy mạnh phối hợp với chính quyền các xã biên giới tổ chức tuyên truyền Nhân dân không tiếp tay, vận chuyển hàng lậu qua biên giới, đặc biệt là vận chuyển gia cầm giống trong thời gian này. Ngoài ra, các đồn biên phòng phụ trách các địa bàn tiếp tục phát động phong trào bảo vệ an ninh biên giới, xây dựng hệ thống thông tin từ thôn biên giới, qua đó kịp thời nắm bắt tình hình vận chuyển hàng qua khu vực biên giới, tổ chức ngăn chặn, không để gia cầm giống nhập lậu vượt tuyến vào nội địa.
Không chỉ lực lượng bộ đội biên phòng, bên cạnh lập tổ tuần tra chốt tại các đường mòn, lực lượng hải quan tại các cửa khẩu cũng tăng cường giám sát, kiểm soát những xe chở hàng tái nhập vào Việt Nam để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những lồng gia cầm giống các đối tượng đưa lên những công-ten-nơ hàng tái nhập để đưa vào Việt Nam.
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tình hình nhập lậu gia cầm giống từ nay đến cuối tháng 10/2023 sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp. Với nhận định đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chống buôn lậu tăng cường kiểm tra, kiểm soát tuyến biên giới, khu vực cửa khẩu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông nhằm ngăn chặn gia cầm giống nhập lậu qua địa bàn.
Theo đó, các lực lượng phụ trách địa bàn tuyến biên giới, cửa khẩu tiếp tục tăng cường tuần tra khép kín tuyến biên giới, kiểm soát chặn khu vực đường biên, khu vực cửa khẩu; gia tăng hoạt động chốt chặn tại các đường mòn, lốt tắt; tăng cường, bổ sung lực lượng cho những điểm trọng yếu. Cùng đó, tại tuyến phía sau (tuyến nội địa), lực lượng công an, quản lý thị trường ngoài việc tăng cường kiểm tra khâu lưu thông, khi cần thiết sẽ thành lập chốt chặn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp với chính quyền, ngành chức năng các huyện biên giới đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con cư dân các xã biên giới không tham gia tiếp tay, vận chuyển gia cầm giống nhập lậu nói riêng và các loại hàng lậu khác nói chung cho các đối tượng buôn lậu.
Có thể thấy, các lực lượng chức năng đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm giống nhập lậu, gia cầm giống không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để hành vi này, hoạt động cung ứng con giống trong nước cũng cần được đẩy mạnh. Chỉ khi nguồn cung về con giống trong nước đảm bảo đẩy đủ nhu cầu của người chăn nuôi thì khi đó hoạt động nhập lậu gia cầm giống mới có thể chấm dứt.
Ý kiến ()