Ngăn “dòng chảy” captagon từ Syria - ưu tiên của các nước Arab
Theo AP, các nước Arab sẵn sàng đưa Tổng thống Syria Bashar al-Assad thoát khỏi tình trạng bị cô lập với hy vọng ông sẽ ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển captagon-loại ma túy tổng hợp chứa chất kích thích amphetamine-ra khỏi Syria.
Phần lớn số lượng captagon trên thế giới được sản xuất tại Syria. Trong khi đó, chỉ có một số lượng nhỏ captagon có nguồn gốc từ nước láng giềng Lebanon. Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad, gia đình ông và các đồng minh đã tạo điều kiện cho việc sản xuất, buôn bán loại ma túy có hình dạng giống như viên thuốc nhỏ này. Họ nói rằng điều đó đã mang lại cho chính quyền Tổng thống al-Assad một “huyết mạch” tài chính khổng lồ vào thời điểm nền kinh tế Syria đang sụp đổ.
Trong khi đó, Chính phủ Syria phủ nhận các cáo buộc. Nghị sĩ Syria Abboud al-Shawakh bác bỏ việc nước này thu lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy và khẳng định chính quyền đang cố gắng trấn áp mạnh mẽ hoạt động này. Ông al-Shawakh cho biết: “Đất nước chúng tôi được sử dụng như một tuyến đường trung chuyển trong khu vực vì có những cửa khẩu biên giới nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền”. Ông al-Shawakh cũng cáo buộc rằng, chỉ các nhóm đối lập có vũ trang mới tham gia vào việc xử lý captagon. Nhiều nhà quan sát cũng cho rằng, các nhóm đối lập ở Syria có dính líu đến hoạt động buôn bán loại ma túy này.
Các nước láng giềng của Syria là thị trường lớn nhất và béo bở nhất đối với những kẻ buôn bán captagon. Hàng trăm triệu viên captagon đã được tuồn vào Jordan, Iraq, Saudi Arabia và các quốc gia Arab khác trong nhiều năm. Khi các nước Arab dần hàn gắn lại mối quan hệ với Syria, một trong những chủ đề thảo luận chính là ngành công nghiệp ma túy bất hợp pháp vốn đã phát triển mạnh mẽ trong cuộc xung đột ở nước này. Đối với họ, việc ngăn chặn buôn bán captagon là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đàm phán với Syria về việc chấm dứt sự cô lập chính trị của nước này.
Những viên ma túy captagon bị thu giữ ở ngoại ô thủ đô Damascus, Syria. Ảnh: AP |
Đầu tháng 5 vừa qua, Syria đã được gia nhập trở lại Liên đoàn Arab (AL). Trước đó, AL đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria sau khi xung đột nổ ra tại quốc gia này vào năm 2011. Cũng trong tháng 5, ông al-Assad đã được chào đón nồng nhiệt tại Hội nghị thượng đỉnh AL ở TP Jeddah, Saudi Arabia. Ông Saud Al-Sharafat, cựu quan chức của cơ quan tình báo Jordan, nói với hãng tin AP: “Ông al-Assad đã bảo đảm rằng sẽ ngăn chặn hoạt động hỗ trợ và bảo vệ các mạng lưới buôn bán ma túy. Ví dụ, ông al-Assad đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý trùm ma túy Merhi al-Ramthan”.
Các cuộc không kích ở miền Nam Syria hồi đầu tháng 5 đã khiến ngôi nhà của tên trùm ma túy khét tiếng al-Ramthan thành đống đổ nát. Một cuộc không kích khác cũng phá hủy một nhà máy bị nghi ngờ sản xuất captagon bên ngoài TP Daraa ở phía Tây Nam Syria, gần biên giới với Jordan. Các cuộc không kích diễn ra một ngày sau khi AL chính thức tái kết nạp Syria. Gần đây, truyền thông Syria đưa tin, cảnh sát đã triệt phá một đường dây buôn bán captagon ở TP Aleppo và phát hiện 1 triệu viên ma túy giấu trong một chiếc xe bán tải.
Giới phân tích nhận định, Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể hy vọng rằng, bằng cách trấn áp hoạt động buôn bán ma túy, ông có thể kiếm được tiền để tái thiết đất nước, hội nhập hơn nữa trong khu vực và thậm chí gây áp lực để chấm dứt các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ông Karam Shaar, thành viên cấp cao tại Viện Chiến lược và Chính sách New Lines-một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington (Mỹ)-cho rằng, các quốc gia Arab sẽ không thể bơm tiền trực tiếp cho chính quyền của Tổng thống al-Assad do các biện pháp trừng phạt được áp dụng. Tuy nhiên, họ có thể chuyển tiền thông qua các dự án mà Liên hợp quốc (LHQ) đứng đầu tại các khu vực do chính phủ Syria nắm giữ để ông al-Assad nỗ lực hành động chống lại nạn buôn bán captagon. Một quan chức Saudi Arabia nói rằng, bất cứ điều gì mà Riyadh có thể cung cấp cho Syria sẽ ít tốn kém hơn thiệt hại do captagon gây ra cho giới trẻ Saudi Arabia.
Việc các quốc gia Arab bình thường hóa quan hệ với Syria và có cách đối xử “trải thảm đỏ” đối với Tổng thống al-Assad khiến Mỹ và Chính phủ các nước phương Tây khác lo ngại rằng, điều đó sẽ làm suy yếu những nỗ lực thúc đẩy ông al-Assad nhượng bộ để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài ở Syria. Họ muốn ông al-Assad tuân thủ tiến trình hòa bình được vạch ra trong Nghị quyết 2254 (năm 2015) của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó kêu gọi chính quyền Tổng thống al-Assad đàm phán với phe đối lập, viết lại Hiến pháp và tổ chức bầu cử với sự giám sát của LHQ.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/ngan-dong-chay-captagon-tu-syria-uu-tien-cua-cac-nuoc-arab-731381
Ý kiến ()