Ngăn cúm ngoại, không quên phòng dịch nội
LSO-Từ đầu năm đến nay, tuy không bùng phát thành dịch, những các bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm vẫn xuất hiện lẻ tẻ ở nhiều địa phương trong tỉnh, nguy cơ bùng phát thành dịch không phải là nhỏ.
LSO-Từ đầu năm đến nay, tuy không bùng phát thành dịch, những các bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm vẫn xuất hiện lẻ tẻ ở nhiều địa phương trong tỉnh, nguy cơ bùng phát thành dịch không phải là nhỏ. Chính vì vậy, hiện nay ngoài việc ngăn chặn cúm AH7N9 từ biên kia biên giới, các cấp, ngành trong tỉnh đang tích cực đề phòng sự bùng phát dịch từ nội địa.
Lấy mẫu huyết thanh giám sát dịch bệnh trên đàn lợn ở thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan |
Cuối tháng 12/2012, cơ quan chuyên môn xác định bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện ở đàn bò trên địa bàn thôn Kéo Van, xã Tân Lang, huyện Văn Lãng. Qua kiểm tra cho thấy đã có 12 con bò và 2 con lợn xuất hiện triệu chứng điển hình của bệnh này. Nguyên nhân được xác định là do người dân theo thói quen vẫn chăn thả gia súc tại bãi rác Tân Lang. Tại nơi này năm 2010, dịch lở mồm long móng đã khởi phát và sau đó lan rộng ra toàn huyện.
Ngày 8/1/2013, cơ quan thú y cũng xác định có triệu chứng điển hình của cúm gia cầm tại đàn gà của 1 hộ gia đình ở thôn Nà Pài, xã Tri Phương, huyện Tràng Định. Không cần chờ kết quả xét nghiệm, căn cứ vào tình hình thực tế, Chi cục Thú y đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc triển khai ngay các biện pháp khoanh vùng, khống chế. Một mặt phun khử trùng toàn bộ thôn Nà Pài, mặt khác tiêu hủy ngay đàn gia cầm xuất hiện triệu chứng với tổng số 62,5kg gia cầm thương phẩm và 23 con gia cầm giống.
Đến ngày 16/1/2013, Trạm Thú y Lộc Bình tiếp tục phát hiện triệu chứng bệnh trên đàn gia cầm của một hộ gia đình tại thôn Khòn Chu, xã Đồng Bục, kết quả xét nghiệm cho thấy gia cầm ốm dương tính với H5N1. Mới đây nhất, cuối tháng 3 vừa qua, bệnh lở mồm long móng xảy ra trên đàn lợn của 11 hộ gia đình ở 3 xã của huyện Văn Quan với 32 con lợn bị ốm, buộc tiêu hủy với trọng lượng là 1.162kg. Điểm qua một vài thông tin để thấy rằng tuy chưa phát sinh thành dịch và chỉ xuất hiện lẻ tẻ, nhưng các loại bệnh nguy hiểm có diễn biến dồn dập trên cả đàn gia súc và gia cầm. Một điều dễ nhận thấy là tất cả các triệu chứng phát sinh trên đàn vật nuôi đều được phát hiện từ rất sớm và xử lý kịp thời nên khống chế được ngay trong diện hẹp. Đây là điểm đáng mừng, phản ánh ý thức chủ động của người dân và sự tích cực, hiệu quả trong công tác giám sát dịch bệnh của cơ quan chuyên môn. Anh Lý Tấn, thôn Khòn Chu, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình, gia đình có gia cầm mắc cúm A H5N1 trong tháng 1 vừa qua chia sẻ: trước đây gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nên khi gia cầm có biểu hiện khác thường thì gia đình đều tự xử lý, nhưng từ khi được tuyên truyền, tập huấn về phòng, trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi và chuyển sang chăn nuôi với quy mô lớn hơn thì ngay khi có triệu chứng bất thường là tôi báo ngay cho cán bộ thú y xã để được hướng dẫn, tư vấn xử lý.
Trao đối về vấn đề này, ông Hoàng Quy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: hiện nay cúm gia cầm có nhiều chủng, vắc xin không thể tương thích hết được với các chủng này, chính vì vậy công tác giám sát dịch bệnh vẫn được coi là một trong những biện pháp trọng tâm trong phòng chống cúm gia cầm, điều đáng mừng là hiện nay ý thức của người chăn nuôi đã được nâng lên, nên công tác giám sát cũng hiệu quả hơn. Còn đối với bệnh lở mồm long móng và bệnh tai xanh trên gia súc thì ngoài giám sát dịch bệnh, hiện nay Chi cục Thú y đang đẩy mạnh công tác tiêm phòng trên diện rộng.
Bảo quản vắc xin phòng dịch, bệnh gia súc, gia cầm tại Chi cục Thú y |
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã phối hợp với Cơ quan Thú y vùng II và Ban quản lý dự án VAHIP tiến hành giám sát lưu hành của vi rút cúm gia cầm tại 6 chợ, lấy 162 mẫu gộp. Kết quả giám sát đã có 9/162 mẫu dương tính với cúm gia cầm H5N1. Kết quả này cho thấy ngoài sự xâm nhiễm dịch bệnh từ bên kia biên giới thì nguy cơ bùng phát dịch từ nội địa cũng không hề nhỏ. Điều này đòi hỏi những người chăn nuôi cần cảnh giác, giám sát dịch bệnh một cách chặt chẽ và tiếp tục thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn khi có hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý nhanh chóng và hiệu quả.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()