Ngăn chặn vũ khí “nóng” trong cộng đồng
Tội phạm liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi; đáng chú ý là số lượng vũ khí bị phát hiện qua các vụ việc ngày càng tăng.
Theo Bộ Công an, trong 5 năm qua, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, phát hiện gần 19,4 nghìn vụ, bắt giữ, xử lý hơn 31 nghìn đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Riêng tội phạm chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ (dao, kiếm), linh kiện để lắp ráp là gần 14.900 vụ (chiếm 76%), hơn 22.500 đối tượng (chiếm 72,6%).
Như vậy, có thể thấy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ và sử dụng các loại dao gây án tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, nổi lên các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm đường phố rất manh động, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Thực tế cho thấy việc xử lý hình sự đối với các loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ Công an, trong 5 năm qua, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, phát hiện gần 19,4 nghìn vụ, bắt giữ, xử lý hơn 31 nghìn đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Riêng tội phạm chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ (dao, kiếm), linh kiện để lắp ráp là gần 14.900 vụ (chiếm 76%), hơn 22.500 đối tượng (chiếm 72,6%).
Các vụ cướp ngân hàng thời gian qua cho thấy, tội phạm thường sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ để thực hiện hành vi. Đây là sự việc rất ít xảy ra trước đại dịch Covid-19 ở cả nước ta và các nước trên thế giới, điều này cho thấy tội phạm ngày càng liều lĩnh, manh động hơn.
Thậm chí, từ việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông cũng dễ dàng phát hiện ra nhiều vũ khí nóng, công cụ hỗ trợ của người tham gia giao thông. Điều đó đang phản ánh phần nào hiểm họa khó lường đối với an ninh, trật tự xã hội và sự an toàn của người dân trước một lượng vũ khí “nóng” còn tồn tại trong cộng đồng.
Cũng theo Bộ Công an, tình hình tội phạm liên quan hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng có chiều hướng gia tăng.
Qua công tác điều tra cho thấy, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để kết nối, hình thành các đường dây, ổ nhóm để chế tạo, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng hoặc vũ khí tự chế có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng với số lượng lớn, diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Đối tượng ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên, không có việc làm ổn định hoặc lao động tự do, thiếu hiểu biết về pháp luật, hoặc chỉ đơn giản là tò mò, thích thể hiện bản thân, lên mạng xã hội, truy cập vào các hội nhóm kín để tìm hiểu, mua bán các loại súng, đạn tự chế dẫn đến phạm tội.
Tình hình tội phạm liên quan hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng có chiều hướng gia tăng.
Cuối tháng 2/2024, qua kiên trì điều tra, theo dõi, Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt quả tang Phan Huỳnh Thiên Đạt, 33 tuổi, thôn Đạm Thủy Bắc, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi đang vận chuyển hơn 1.000 viên đạn thể thao. Mở rộng điều tra, cơ quan công an phát hiện, thu giữ “kho” vũ khí của Đạt gồm 92 khẩu súng các loại, hơn 14.600 viên đạn thể thao, công cụ hỗ trợ. Tại cơ quan công an, Đạt khai nhận đã đặt mua các loại súng, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, các linh kiện, phụ kiện vũ khí... từ nhiều nơi trong và ngoài nước, được vận chuyển bằng đường bưu điện về Quảng Ngãi. Trước khi bị bắt, Đạt thực hiện hàng trăm giao dịch mua bán súng và vũ khí có tính sát thương cao cho nhiều khách hàng trên khắp cả nước.
Đầu tháng 3/2024, Công an Thành phố Hồ Chí Minh triệt phá đường dây mua bán súng, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng do Đoàn Quốc Thái, cùng Trần Bá Lộc cùng thực hiện. Trước đó, qua nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện một số tài khoản Facebook, trang web, kênh YouTube đăng tải nhiều nội dung về việc mua bán vũ khí (súng, đạn) và các loại công cụ hỗ trợ với giá từ 20 - 30 triệu đồng mỗi loại.
Thái khai nhận đặt mua súng, công cụ hỗ trợ từ Thái Lan, Campuchia. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, hai đối tượng đã mua bán hàng trăm khẩu súng, công cụ hỗ trợ, thu lợi bất chính gần 300 triệu đồng. Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp công an các địa phương khám xét nhiều địa điểm, thu giữ 230 khẩu súng, 4.750 viên đạn các loại, 3 bịch đạn bi nhựa, 6 bịch đạn bi kim loại, 54 hộp tiếp đạn và nhiều tang vật có liên quan.
Mới đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 4 đối tượng: Nguyễn Trần Du (Thanh Hóa); Phạm Văn Sơn (Hải Phòng); Huỳnh Văn Quá (Cà Mau) và Nguyễn Hải Âu (Long An) về tội “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng này, lực lượng công an thu giữ 11 khẩu súng ngắn, 1 súng bút tự chế, 5 quả lựu đạn, 8 quả nổ tự chế, hàng nghìn viên đạn, đầu đạn, vỏ đạn của các loại súng, linh kiện chế tạo súng và máy móc, hóa chất, dụng cụ để chế tạo vũ khí...
Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho thấy đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, luôn có sự đề phòng, cảnh giác. Lợi nhuận thu được từ việc mua bán, gia công, chế tạo các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng với một đơn hàng được giao dịch thành công. Một số đối tượng có thể tự học, nghiên cứu theo các hướng dẫn trên mạng xã hội để mua các linh kiện về chế tạo, sản xuất, bán kiếm lời dễ dàng. Ðối tượng vi phạm thường tập trung ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hoặc khu vực biên giới.
Những đối tượng hoạt động chuyên nghiệp thường cấu kết chặt chẽ, hình thành đường dây, nhóm kín trên mạng xã hội đăng tải các bài viết quảng cáo thông tin cung cấp các loại vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ như: súng, dao, kiếm, mã tấu...; các loại công cụ hỗ trợ khác như: gậy, súng điện, còng tay... Khi đạt được thỏa thuận với khách hàng, các đối tượng sử dụng dịch vụ COD (giao hàng mới thu tiền) từ các đơn vị giao hàng trung gian để vận chuyển, giao tận tay khách hàng. Ðể đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng chia nhỏ các bộ phận, linh kiện rồi gửi nhiều lần nên khó xử lý.
Ðáng chú ý, thời gian gần đây, nổi lên tình trạng các nhóm đối tượng, nhóm thanh, thiếu niên sử dụng hung khí tự chế như dao, kiếm, mã tấu,... để đâm, chém, giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Việc tàng trữ, mua bán vũ khí nóng công cụ hỗ trợ đang thật sự đáng báo động, cho thấy trong công tác quản lý hiện còn bộc lộ nhiều bất cập. Khi không được kiểm soát chặt chẽ, số lượng hàng nóng tồn tại trong cộng đồng gây tiềm ẩn những hệ lụy về an ninh, trật tự xã hội.
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.
Tuy nhiên, thực trạng tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ và sử dụng các loại dao gây án tiếp tục có diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) là cần thiết và cấp bách, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Ý kiến ()