Ngăn chặn vi phạm lâm luật tại Bình Gia: Cần phòng từ xa, ngừa từ sớm
– Những năm gần đây, Bình Gia luôn là một trong những huyện “nóng” nhất về tình trạng vi phạm quy định trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều này đòi hỏi lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần có những giải pháp quyết liệt hơn.
Theo Thông báo số 872/TB-HĐND của HĐND tỉnh về kết luận của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh giám sát tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2030 và một số dự án trồng rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2016 – 2021 tại huyện Bình Gia, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đã phát hiện và xử lý 112 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể, số vụ vi phạm gồm: 36 vụ tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật; 14 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật; 44 vụ phá rừng trái phép; 10 vụ khai thác rừng trái pháp luật… Qua xử lý, lực lượng chức năng đã tịch thu trên 270 m3 gỗ các loại và nhiều tang vật liên quan.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia kiểm đếm gỗ tịch thu từ các vụ vi phạm
Đáng nói, từ nhiều năm trước đây, Bình Gia đã là địa bàn “nóng” về vi phạm lâm luật, đến năm 2021 – 2022, số vụ vi phạm của huyện Bình Gia vẫn luôn ở mức cao so với hầu hết các huyện, thành phố còn lại. Đơn cử, năm 2021, huyện xảy ra 67 vụ vi phạm. Còn từ đầu năm đến tháng 12/2022, huyện xảy ra 41 vụ vi phạm. Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện, việc ngăn chặn các vi phạm về lâm luật trên địa bàn gặp phải rất nhiều khó khăn.
Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia cho biết: Trong thời gian qua, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, chưa thể ngăn chặn được triệt để các hành vi vi phạm. Nguyên nhân là do một số chủ rừng thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tự ý khai thác gỗ rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, một số ban quản lý, bảo vệ rừng cấp xã và các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng hoạt động vẫn chưa hiệu quả. Ngoài ra, một số người lao động nông thôn do thiếu tư liệu sản xuất nên đã vào rừng khai thác gỗ trái phép và phá rừng trái phép để trồng rừng sản xuất.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia, toàn huyện có trên 80.000 ha rừng. Trong đó, nhiều diện tích rừng trên địa bàn giáp ranh với các huyện trong và ngoài tỉnh và cách xa khu dân cư. Đây đều là các khu vực rừng thường xảy ra vi phạm nhất. Nguyên nhân là do rừng nằm tương đối xa khu dân cư, việc theo dõi, nắm bắt tình hình vi phạm gặp nhiều khó khăn. Đối với không ít vụ vi phạm về khai thác, phá rừng trái phép, lực lượng kiểm lâm phải đi khoảng 2 – 3 tiếng đồng hồ từ trung tâm UBND xã mới đến được hiện trường.
Tuy nhiên, thực tế trên cũng cho thấy: chính quyền cơ sở tại một số nơi trên địa bàn huyện Bình Gia chưa thực sự quyết liệt, sát sao trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm. Hầu hết các vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật khi xảy ra trên diện tích lớn thì mới được phát hiện, xử lý. Điều này thể hiện rõ qua số diện tích rừng bị thiệt hại trong năm 2022. Cụ thể, trong tổng số 41 vụ vi phạm, có 20 vụ về phá rừng và khai thác rừng trái phép, tổng diện tích rừng thiệt hại trên 6,5 ha rừng. Như vậy, trung bình với mỗi vụ phá rừng, diện tích rừng thiệt hại là trên 3.200 m2.
Để ngăn chặn các vi phạm trên, trong năm 2022, UBND huyện Bình Gia đã ban hành 9 văn bản và tổ chức 2 hội nghị chuyên đề với các nội dung về triển khai công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và ngăn chặn, xử lý các vi phạm về lâm nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, để ngăn chặn tình trạng vi phạm về lâm luật tại Bình Gia, các đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; hướng dẫn, bổ sung quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng vào quy ước thôn, bản; bổ sung biển báo cấm chặt phá rừng tại các khu rừng của cộng đồng dân cư quản lý. Đồng thời, chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng nên có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác kiểm tra, kiểm soát và nắm bắt thông tin để kịp thời ngăn chặn vi phạm thay vì chỉ phát hiện khi vi phạm đã xảy ra.
Trên cơ sở đánh giá các khó khăn, huyện tiếp tục chỉ đạo thưc hiện đồng bộ các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, tuần rừng, nhất là các địa bàn trọng điểm, kịp thời ngăn chặn các vi phạm, không để hình thành điểm nóng về chặt phá rừng. Bên cạnh đó, đề nghị Công an huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm tuần rừng, kịp thời ngăn chặn các vi phạm. Ông Hoàng Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia |
Ý kiến ()