Ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép
Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ. Ảnh: AN CÔNG Thời gian qua, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và các loại pháo nổ, có những chuyển biến tích cực trên cả ba phương diện: quản lý Nhà nước; phòng, chống tội phạm và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Công an các địa phương đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát, trấn áp kịp thời các hành vi vi phạm trong công tác quản lý VK, VLN, CCHT và công tác quản lý, phòng ngừa buôn bán, vận chuyển, đốt pháo trái phép.Năm 2012, lực lượng công an đã phối hợp các lực lượng quân đội, đặc biệt là lực lượng biên phòng, hải quan, kiểm lâm xây dựng nhiều kế hoạch và liên tục mở các đợt cao điểm vận động toàn dân thu nộp VK, VLN, CCHT trong nhân dân và trôi nổi ngoài xã hội, góp phần phòng ngừa tội phạm và tai nạn do vũ khí gây ra. Lực lượng công an đã điều tra, khám phá hơn 500 vụ buôn bán, vận...
Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ. Ảnh: AN CÔNG |
Năm 2012, lực lượng công an đã phối hợp các lực lượng quân đội, đặc biệt là lực lượng biên phòng, hải quan, kiểm lâm xây dựng nhiều kế hoạch và liên tục mở các đợt cao điểm vận động toàn dân thu nộp VK, VLN, CCHT trong nhân dân và trôi nổi ngoài xã hội, góp phần phòng ngừa tội phạm và tai nạn do vũ khí gây ra. Lực lượng công an đã điều tra, khám phá hơn 500 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép VK, VLN, CCHT; bắt 692 đối tượng; thu 536 khẩu súng, 1.649 CCHT, hơn 3.000 viên đạn, hơn 4.000 kg thuốc nổ, 38.582 kíp nổ… Qua công tác kiểm tra, đã phát hiện và vận động giao nộp 98 súng quân dụng, hơn 2.000 súng săn, 311 công cụ hỗ trợ, 4.512 viên đạn và gần 200 kg thuốc nổ.
Đạt được kết quả trên là sự nỗ lực của Bộ Công an cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Qua đó, thể hiện các địa phương đã quán triệt sâu sắc chủ trương công tác quan trọng này của Chính phủ; nhận thức đúng đắn và sự tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo về công tác đăng ký quản lý VK, VLN, CCHT của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất của các ngành chức năng, tổ chức chính trị, xã hội; sự năng động, sáng tạo và phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và biện pháp nghiệp vụ của cơ quan quản lý. Thông qua công tác tổ chức thực hiện Nghị định 47/CP, kỷ cương pháp luật, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này được tăng cường, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Để tiếp tục thực hiện vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, CCHT và Nghị định 36/CP về quản lý, sử dụng pháo đối với một số địa phương trọng điểm phía bắc. Trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng cần xây dựng kế hoạch đấu tranh cụ thể, chủ động phòng ngừa, phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép, bảo đảm tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần. Chỉ tính riêng năm 2012, các lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.600 vụ, bắt giữ 1.940 đối tượng vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo; đồng thời vận động nhân dân giao nộp được hơn 4.000 kg pháo các loại…
Tuy nhiên, công tác quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ ở một số cơ quan, đơn vị được trang bị còn lỏng lẻo, tình trạng chuyển công tác mang vũ khí, công cụ hỗ trợ về đơn vị mới, khi về hưu giữ vũ khí như vật kỷ niệm vẫn xảy ra, thậm chí còn xảy ra tình trạng mất, thất lạc. Công tác đăng ký, quản lý loại phương tiện đặc biệt này, ở một số địa phương chưa được quan tâm chú ý đúng mức, hiệu quả thấp, nặng về hành chính đơn thuần, thiếu ý thức nghiệp vụ chuyên sâu, thậm chí có nơi thực hiện không đúng, tùy tiện như: trang bị không đúng đối tượng, thủ tục đăng ký cấp giấy phép không đầy đủ; trang bị vũ khí, quân dụng cho lực lượng dân quân, tự vệ, bảo vệ, dân phòng còn dễ dãi, dẫn đến hiện tượng sử dụng tùy tiện, không đúng mục đích. Các địa phương, đơn vị, một số ngành có nhiều cơ sở sản xuất, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, chưa tập trung kiểm tra thường xuyên, chủ yếu mới chỉ kiểm tra ở các cơ sở sản xuất, cung ứng nên không phát hiện kịp thời tình trạng thất thoát, vi phạm ở những nơi này.
Tình trạng tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT còn diễn biến phức tạp ở một số thời điểm. Đáng chú ý còn một số vụ việc bọn tội phạm sử dụng VK, VLN gây ra một số vụ cướp, giết người, trả thù cá nhân nghiêm trọng, thậm chí còn dùng VK, VLN để chống lại các lực lượng truy bắt. Đặc biệt, tình trạng sử dụng vũ khí chống người thi hành công vụ, trả thù cá nhân thời gian gần đây xảy ra rất phức tạp, manh động. Tình trạng sử dụng VK, VLN trái phép có lúc, có nơi trở nên nghiêm trọng. Nhiều địa phương, đơn vị lạm dụng thuốc nổ trong việc khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép; đánh bắt thủy, hải sản. Việc vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ bừa bãi trên phương tiện giao thông công cộng cũng hết sức nguy hiểm. Không ít đối tượng giấu giếm mang theo vũ khí, thuốc nổ, kíp nổ trên tàu, xe; có trường hợp gây cháy, nổ. Hoạt động buôn bán vũ khí, thuốc nổ trái phép xuất hiện ở nhiều địa phương. Tại một số địa bàn, nhất là ở những khu vực gần cửa khẩu biên giới, tình trạng buôn bán súng, đạn, thuốc nổ và công cụ hỗ trợ (dùi cui điện, bình xịt hơi cay) diễn ra nhức nhối. Điển hình là vụ cướp tiệm vàng xảy ra trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội), tháng 6 vừa qua, làm nhiều người bị thương, do đối tượng sử dụng thuốc nổ, kíp nổ mua bán trôi nổi trên thị trường.
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý VK, VLN, CCHT, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; kiện toàn bộ máy tổ chức; nghiên cứu rà soát, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong việc quản lý, vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, CCHT và các loại pháo. Thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục công tác quản lý VK, VLN, CCHT rộng rãi trong nhân dân, cơ quan, đơn vị. Đồng thời dựa vào nhân dân, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mọi người, nhất là già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong xã, phường, ấp, bản; các hình thức tổ chức vận động phải đa dạng, phù hợp đặc điểm, phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương; kết hợp giữa vận động rộng khắp với vận động cá biệt, tạo phong trào thi đua sâu rộng, để công tác quản lý VK, VLN, CCHT đạt hiệu quả cao, góp phần giữ bình yên cho nhân dân và toàn xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()