Ngăn chặn tội phạm mua bán người qua biên giới
Quảng Ninh có đường biên giới kéo dài và nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở tiếp giáp với Trung Quốc, hoạt động mua, bán người qua biên giới của các đối tượng tội phạm diễn ra rất phức tạp.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, Bình Liêu (Quảng Ninh) tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn bán người qua biên giới. |
Trước thực trạng nêu trên, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các lực lượng chức năng tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác nghiệp vụ, tăng cường nắm tình hình địa bàn, đối tượng, đồng thời thường xuyên tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu và các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này.
Trong thời gian gần đây, qua điều tra, xác minh từ những người bị phía Trung Quốc trao trả qua biên giới cho thấy xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân hoặc sự nhẹ dạ, cả tin của những người cần việc làm để tiếp cận, làm quen, hứa hẹn đưa nạn nhân sang Trung Quốc làm thuê với thu nhập cao, rồi lừa đưa qua biên giới bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ, hoặc để ép làm lao động phổ thông với giá nhân công rẻ mạt. Một số nam thanh niên tạo các trang cá nhân trên mạng xã hội, làm quen các thiếu nữ, tán tỉnh, yêu đương, hẹn hò đưa đi chơi, tham quan, du lịch sau đó lừa bán sang Trung Quốc.
Nhức nhối hệ lụy nạn nhân bị buôn bán
Được giải cứu từ Trung Quốc về Móng Cái sau hơn hai năm bị bạn trai quen qua mạng lừa bán sang Trung Quốc, chị L.T.H., sinh năm 2004, quê ở tỉnh Lai Châu, vẫn chưa hết hoảng loạn, phải điều trị tâm lý. Năm 2021, sau khi bị bạn trai quen qua mạng lừa bán sang Trung Quốc, chị H. bị ép vào làm trong quán karaoke và làm gái mại dâm.
Không chịu cảnh sống tủi nhục ê chề, chị H. đã nhiều lần tìm cách bỏ trốn, nhưng đều bị bắt lại và bị đánh đập. Lầm lũi chịu đựng cay đắng, nuôi hy vọng được giải cứu, đầu năm 2023, chị H. đã bỏ trốn thành công khỏi nơi làm và chạy đến Đồn Công an Trung Quốc trình báo và sau đó, chị đã được lực lượng chức năng nước bạn trao trả về nước
Không bị ép làm gái mại dâm như chị H., nhưng chị P.T.Đ., sinh năm 1974, quê ở tỉnh Bắc Ninh sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc đã bị bóc lột sức lao động đến kiệt quệ. Theo lời kể của chị Đ., năm 2018, do kém hiểu biết chị bị người quen lừa, hứa hẹn đưa sang Trung Quốc làm công nhân.
Nhưng khi sang đến xứ người, chị Đ. ngay lập tức bị bắt vào làm những công việc nặng nhọc liên tục mà không nhận được một đồng tiền lương. Không chịu được cảnh bị bóc lột sức lao động đến cùng kiệt, đầu năm 2023, chị Đ. đã bỏ trốn ra ngoài và đến Đồn Công an Trung Quốc trình báo và được lực lượng chức năng nước bạn trao trả về nước.
Cũng là nạn nhân của tội phạm mua, bán người, năm 2017, anh A.T.N., sinh năm 1994, quê tỉnh Quảng Nam bị các đối tượng lừa đảo trên mạng dụ dỗ đưa sang Trung Quốc làm việc nhẹ nhàng, với thu nhập cao. Những tưởng sẽ được đổi đời, nhưng khi vừa đặt chân qua biên giới, anh đã bị nhốt vào một khu nhà xưởng gia công bóng đèn, nhưng không được trả lương.
Khi anh không đồng ý làm việc đã bị các đối tượng này nhốt lại và đánh đập tàn nhẫn rồi bỏ đói trong nhiều ngày. Sau một thời gian bị giam giữ, đầu năm 2023, lực lượng chức năng phía Trung Quốc tiến hành truy quét người nước ngoài cư trú bất hợp pháp đã giải cứu anh N. và trao trả về nước cuối tháng 4/2023.
Đây chỉ là ba trong nhiều nạn nhân của tội phạm mua, bán người, họ đều bị bóc lột sức lao động, đau đớn cả về thể xác và tinh thần, hành trình trở về quê hương của họ đầy gian truân và tủi nhục. Việc nhiều người trở thành món hàng bị mua, bán, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, đã gây nên những bất ổn trong xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thủ đoạn ngày càng nghiêm trọng của loại tội phạm này.
Tỉnh Quảng Ninh xác định công tác phòng chống tội phạm mua, bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, phải được triển khai thường xuyên, lâu dài. Trong đó, lấy công tác phòng ngừa tội phạm là trọng yếu; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu biết, nâng cao nhận thức; đấu tranh, điều tra, xử lý nghiêm các vụ án; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân; hỗ trợ tốt nhất các nạn nhân theo phương châm “Mở rộng vòng tay với nạn nhân mua, bán người, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Hiện nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam và Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, các hoạt động giai đoạn 2 của Dự án tập trung công tác tập huấn nâng cao năng lực, truyền thông và hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới, trong đó có nạn nhân mua, bán người.
Tăng cường đấu tranh, ngăn chặn
Nhận thức rõ tính chất phức tạp và quyết liệt của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người qua biên giới, trong những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả các chương trình hành động, chủ động nắm tình hình hoạt động của các loại tội phạm, đồng thời vận dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa và kiên quyết tấn công tội phạm, trong đó tập trung lực lượng, phương tiện, mở các đợt cao điểm đấu tranh các chuyên án, vụ án trọng điểm và địa bàn trọng điểm.
Được giao quản lý địa bàn biên phòng gồm bảy xã, phường trên địa bàn thành phố Móng Cái, với hơn 26 km đường biên giới với nhiều đường mòn, lối mở, những năm qua, Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã chủ động xây dựng phương án đấu tranh với các loại tội phạm trên khu vực biên giới, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quản lý.
Thiếu tá Nguyễn Trung Tuyến, Phó Đồn Trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Bắc Sơn cho biết: Xác định rõ đặc thù của địa phương, thời gian qua chỉ huy đồn đã tập trung chỉ đạo, triển khai nắm tình hình nội, ngoại biên, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân trên địa bàn biên giới, trên cơ sở đó tham mưu cho cấp trên các giải pháp công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có công tác đấu tranh phòng chống mua, bán người.
Năm 2023, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã phối hợp tiếp nhận và trao trả 50 lần với 141 lượt người. Qua công tác tiếp nhận, trao trả và sàng lọc, đã phát hiện 14 đối tượng tội phạm truy nã, năm công dân của Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc.
Đối với các đối tượng bị lừa bán, Đồn đã hướng dẫn từng cá nhân khi về địa phương cần tuyên truyền cho gia đình, xã hội để làm tốt công tác phòng ngừa, giúp người dân nắm rõ được thủ đoạn, phương thức của các loại tội phạm với các cấp chính quyền, để xử lý nghiêm.
Thượng tá Diệp Mạnh Hảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết: Đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới nước bạn đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua, bán người; phối hợp thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân được giải cứu; tích cực rà soát, sàng lọc, xác định nạn nhân bị mua, bán trong số công dân được các lực lượng chức năng trao trả hoặc tự trở về.
Huyện Bình Liêu có tuyến biên giới dài hơn 43 km tiếp giáp với Trung Quốc. Người dân sinh sống trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, kiến thức pháp luật còn hạn chế, nên đây là địa bàn tiềm ẩn diễn biến phức tạp về hoạt động của tội phạm mua, bán người. Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm này, thời gian qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới về phương thức, thủ đoạn, hành vi của tội phạm mua, bán người.
Ông Bùi Xuân Chiều, người dân thôn Nà Sa cho biết: “Được sự tuyên truyền của lực lượng Bộ đội Biên phòng, chúng tôi đã nắm được rõ âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; mỗi khi có người lạ xuất hiện trên địa bàn biên giới, người dân đều báo ngay với lực lượng chức năng và chính quyền để có biện pháp xác minh, làm rõ”.
Từ năm 2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc thực hiện 117 lượt tiếp nhận với 2.532 người Việt Nam nhập cảnh trái phép do Trung Quốc trao trả qua cửa khẩu, trong đó có 78 lượt với 1.988 người được phân loại, điều tra xác minh bị mua, bán; trao trả cho lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới nước bạn 67 lượt với 274 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Để đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng tích cực vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội buôn bán phụ nữ và trẻ em; tổ chức tốt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác này, nhất là các đối tượng, thành phần có nguy cơ cao dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt.
Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành chức năng tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về, để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống; đồng thời tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua, bán phụ nữ, trẻ em.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()