Ngăn chặn tình trạng xâm phạm các công trình thủy lợi ở Hưng Yên
Xây nhà lấn chiếm bờ sông ở xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ bị giải tỏa, tháo dỡ. Vào những năm 60 của thế kỷ 20, tỉnh Hưng Yên đã đóng góp hơn 26 triệu ngày công lao động, đào đắp được 29 triệu m3 đất góp phần xây dựng nên Đại công trình thủy nông Bắc Hưng Hải và hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Thế nhưng hiện nay, hàng nghìn hộ dân đã xâm phạm, lấn chiếm, làm tổn hại đến hệ thống thủy lợi, gây bức xúc cho xã hội cần được các cấp chính quyền và ngành chức năng ở tỉnh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.HƯNG YÊN từng là tỉnh đi đầu trong phong trào làm thủy lợi toàn miền bắc, xây dựng nên hệ thống sông, kênh, mương khá hoàn thiện phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó có Đại công trình thủy nông Bắc Hưng Hải cung cấp nước phù sa sông Hồng cho một vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn hàng trăm nghìn ha ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... Nhiều năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đầu...
Xây nhà lấn chiếm bờ sông ở xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ bị giải tỏa, tháo dỡ. |
Vào những năm 60 của thế kỷ 20, tỉnh Hưng Yên đã đóng góp hơn 26 triệu ngày công lao động, đào đắp được 29 triệu m3 đất góp phần xây dựng nên Đại công trình thủy nông Bắc Hưng Hải và hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Thế nhưng hiện nay, hàng nghìn hộ dân đã xâm phạm, lấn chiếm, làm tổn hại đến hệ thống thủy lợi, gây bức xúc cho xã hội cần được các cấp chính quyền và ngành chức năng ở tỉnh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.
HƯNG YÊN từng là tỉnh đi đầu trong phong trào làm thủy lợi toàn miền bắc, xây dựng nên hệ thống sông, kênh, mương khá hoàn thiện phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó có Đại công trình thủy nông Bắc Hưng Hải cung cấp nước phù sa sông Hồng cho một vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn hàng trăm nghìn ha ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… Nhiều năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng sửa chữa, nạo vét, mở rộng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi… Nhưng ngược lại với nỗ lực trên, tình trạng xâm phạm, lấn chiếm hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất và dân sinh.
Tại đoạn kênh T2 chảy qua địa bàn thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Kim Động cho biết: Sau khi UBND tỉnh Hưng Yên có Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 19-5-2011 về việc “tăng cường công tác quản lý, bảo vệ phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi…” đến nay, qua kiểm tra đơn vị đã phát hiện, lập biên bản hàng chục trường hợp san lấp, xây nhà trong hành lang công trình thủy lợi và báo chính quyền địa phương xử lý theo quy định, nhưng việc xử lý ở nhiều nơi chưa đến nơi đến chốn, phần lớn ở mức đình chỉ thi công, chưa thực hiện tháo dỡ để trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu, dẫn đến việc tái lấn chiếm vẫn xảy ra.
Đến huyện Khoái Châu, một trong những điểm “nóng” của tỉnh Hưng Yên về tình trạng xâm phạm công trình thủy lợi. Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Hưng Trần Văn Tuy, nơi có hơn 100 trường hợp làm nhà trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và hàng chục hộ lấp một phần lòng sông làm nhà, cho biết: Trước kia chính quyền xã đã cho nhân dân thầu phần lớn đất nằm ven sông trục Từ Hồ – Sài Thị và Tân Tây Hưng để làm dịch vụ. Người dân nhận thầu đất đã từng bước xây dựng nhà để ở, chính quyền xã biết nhưng rất khó ngăn chặn bởi sức ép từ trên xuống, dưới lên, mối quan hệ và sự nể nang, thậm chí có cả sự thóa mạ, đe dọa hành hung cán bộ xã của một số chủ thầu… Vừa rồi, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt, UBND xã mới cưỡng chế, giải tỏa được năm hộ lấn chiếm, xây nhà trái phép.
Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu Lê Trọng Bình cho biết: Một trong những bức xúc nhất ở huyện là việc lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Toàn huyện có gần một nghìn trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó có hơn 500 trường hợp làm nhà kiên cố, tập trung ở một số xã Phùng Hưng, Đại Hưng… Để ngăn chặn những hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường công tác quản lý khi phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng đã tham mưu với huyện để có biện pháp xử lý. Với những vi phạm mới cần xử lý ngay, với vi phạm cũ từng bước xử lý. Đến nay huyện đã xử lý, cưỡng chế tháo dỡ hơn mười căn nhà, giải tỏa hàng chục vụ việc vi phạm khác.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có gần ba nghìn trường hợp vi phạm công trình thủy lợi, trong đó có hơn một nghìn trường hợp làm nhà ở, thậm chí có nhiều trường hợp lấp một phần sông, kênh, mương để làm nhà gây ách tắc, hạn chế dòng chảy, ảnh hưởng tiến độ thi công của một số công trình thủy lợi trọng điểm. Việc lấn chiếm, xâm phạm xảy ra ở tất cả các huyện trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở những nơi có tuyến đường giao thông đi lại thuận lợi, dễ phát hiện, nhưng việc xử lý lại hết sức khó khăn, dẫn đến nảy sinh nhiều phức tạp ở một số khu vực nông thôn.
Nguyên nhân của tình trạng nói trên là do các địa phương buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng. Việc cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc; một số công trình thủy lợi quan trọng, như hệ thống sông Bắc Hưng Hải cũng chưa được cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Công tác quản lý và giải tỏa những vi phạm pháp luật về công trình thủy lợi ở nhiều nơi thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm, dẫn đến việc tái lấn chiếm, vi phạm khu vực công trình thủy lợi còn khá phổ biến, có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng về mức độ vi phạm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiêu thoát nước của dòng chảy, sự an toàn của công trình, gây ngập úng, hạn hán ở một số vùng làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đời sống nhân dân. Mặc dù tỉnh Hưng Yên đã ra Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 19-5-2011 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi và giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về công trình thủy lợi trên địa bàn, nhưng việc lấn chiến vẫn xảy ra ở nhiều nơi và chưa được xử lý nghiêm.
Để ngăn chặn tình trạng xâm phạm công trình thủy lợi, các cấp, các ngành chức năng tỉnh Hưng Yên cần xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân để xảy ra tình trạng nói trên, từ đó có hình thức xử lý nghiêm. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ công trình thủy lợi. Xử lý nghiêm các thôn, xã, phường, thị trấn cho thầu đất, kênh, sông trục để làm dịch vụ, thả cá, trồng sen… Rà soát, lập danh sách các hộ vi phạm; phân loại các trường hợp vi phạm, hoàn thiện hồ sơ vi phạm theo quy định; lập kế hoạch xử lý giải tỏa các vi phạm công trình thủy lợi theo đúng trình tự quy định của pháp luật…
Theo Nhandan
Ý kiến ()