Ngăn chặn tình trạng tư thương tranh mua bông với doanh nghiệp
Đến thời điểm này, vụ bông năm 2010 bắt đầu bước vào mùa thu hoạch. Và sẽ chẳng có gì đáng ngại nếu như không xảy ra tình trạng tư thương từ các nơi khác (Nha Trang, Bình Dương, Bình Phước...) lên Tây nguyên để tranh mua bông hạt với Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên - đơn vị đã ký hợp đồng đầu tư sản xuất và thu mua với hàng chục nghìn hộ nông dân trên địa bàn.Giám đốc Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên Hồ Đăng Phú cho biết, cũng như những năm trước đây, vụ bông năm 2010, công ty đã ký hợp đồng sản xuất và thu mua bông với người nông dân theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, về phía Công ty bông (bên A) phân công, cử cán bộ khuyến nông giúp người nông dân thực hiện các quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất bông; cho ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất điều tiết sinh trưởng cho cây bông... với chi phí ban đầu từ 1,5 đến 2,2 triệu đồng/ha và bao tiêu toàn bộ sản phẩm bông...
Đến thời điểm này, vụ bông năm 2010 bắt đầu bước vào mùa thu hoạch. Và sẽ chẳng có gì đáng ngại nếu như không xảy ra tình trạng tư thương từ các nơi khác (Nha Trang, Bình Dương, Bình Phước…) lên Tây nguyên để tranh mua bông hạt với Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên – đơn vị đã ký hợp đồng đầu tư sản xuất và thu mua với hàng chục nghìn hộ nông dân trên địa bàn.
Giám đốc Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên Hồ Đăng Phú cho biết, cũng như những năm trước đây, vụ bông năm 2010, công ty đã ký hợp đồng sản xuất và thu mua bông với người nông dân theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, về phía Công ty bông (bên A) phân công, cử cán bộ khuyến nông giúp người nông dân thực hiện các quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất bông; cho ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất điều tiết sinh trưởng cho cây bông… với chi phí ban đầu từ 1,5 đến 2,2 triệu đồng/ha và bao tiêu toàn bộ sản phẩm bông hạt làm ra với giá đã được thông báo từ đầu vụ (là 11.500 đồng/kg). Về phía người trồng bông phải cam kết bảo đảm suất đầu tư, chăm sóc cây bông đúng quy trình kỹ thuật; bông đăng ký trồng ở địa bàn nào thì bán ra tại điểm thu mua của công ty ở địa bàn đó, không bán cho tư thương và cho các hộ khác; đồng thời trả đủ nợ 100% (vật tư ứng trước) cho công ty sau khi bán sản phẩm. Ngoài ra, đến vụ thu hoạch bông, công ty có thông báo lịch thu mua cụ thể, rõ ràng đến từng địa bàn để nông dân có kế hoạch bán bông thuận tiện và nhanh chóng; trước khi thu hoạch, công ty có hỗ trợ bao vải, bạt phơi bông cho nông dân để làm tốt khâu chất lượng; những vùng bị thiên tai, dịch bệnh… xảy ra, công ty cũng có kế hoạch bố trí nguồn kinh phí để chia sẻ rủi ro với người trồng bông.
Theo Giám đốc Hồ Đăng Phú, việc ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ giữa hai bên được thực hiện nghiêm túc, có cộng đồng trách nhiệm với nhau. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch thì vấn đề 'phá vỡ hợp đồng' đã cam kết giữa người nông dân và DN vẫn xảy ra. Hiện tại, ở địa bàn các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M'gar (Đác Lắc), Cư Jút, Đác Min (Đác Nông) tình trạng người trồng bông (có ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên) vẫn lén lút bán bông hạt cho tư thương với giá cao hơn giá thông báo của công ty từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Tình trạng này khiến công ty không thể không lo lắng. Bởi theo công ty, hành lang pháp lý cũng như chế tài để xử lý việc tranh mua bông của tư thương hiện nay còn bất cập và thiếu cơ sở pháp luật để thực thi. Hơn thế, theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ thì bông hạt không phải là 'hàng quốc cấm' nên các đại lý tư thương dễ dàng làm giấy đăng ký kinh doanh, thu mua mà không sợ bất kỳ vi phạm nào càng đẩy thị trường này đến chỗ phức tạp hơn. Hầu hết các trạm thu mua bông hạt tại các địa bàn trên cho biết, năm nào người nông dân được công ty bông đầu tư, hỗ trợ giống, vật tư càng nhiều thì việc tranh mua của tư thương càng quyết liệt. Lý giải thêm vấn đề này, ông Phú cho rằng, do tư thương không bỏ vốn đầu tư, kể cả chi phí dịch vụ nên giá mua bao giờ cũng cao hơn công ty; mà thậm chí ngang bằng hoặc rẻ hơn, người nông dân vẫn bán để trốn chi phí đầu tư ban đầu. Tâm lý đó là mối lo ngại lớn nhất cho công ty trong việc thanh toán hợp đồng, thu hồi sản phẩm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu sản xuất và kinh doanh của DN. Theo số liệu tiêu thụ sản lượng bông hạt của Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên tính toán được thì vụ bông năm 2009, sản lượng mà nông dân ký hợp đồng với công ty, nhưng lại bán cho tư thương là 600 tấn, gần bằng 1/3 tổng sản lượng sản xuất được trong năm là 2.020 tấn. Dự kiến trong vụ bông năm 2010 này, sản lượng bông hạt mà nông dân bán cho tư thương sẽ tăng lên khoảng 700 đến 800 tấn trên tổng sản lượng ước đạt gần 4.000 tấn. Đây là con số đáng lo ngại trong việc thu mua nguyên liệu bông năm nay; và theo đó sẽ gây khó khăn thêm cho công ty trong vấn đề thanh toán hợp đồng và thu hồi công nợ đã đầu tư ban đầu cho người nông dân.
Trước thực trạng đó, Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên đã có văn bản kiến nghị UBND các tỉnh Tây Nguyên về quản lý sản phẩm bông hạt và công tác tổ chức thu mua, vận chuyển bông trên địa bàn nhằm kêu gọi vai trò của Nhà nước vào cuộc và đứng ra 'cầm cân, nảy mực' cho các bên thực hiện nghiêm túc hợp đồng sản xuất và tiêu thụ bông, tránh thiệt hại cho DN và người nông dân trước thực trạng tư thương đang ráo riết tranh mua bông hạt tại hai tỉnh Đác Lắc và Đác Nông trong niên vụ này.
Qua theo dõi, nắm bắt diễn tiến của thị trường thu mua bông hạt hiện nay, Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên đã quyết định tăng giá thu mua bông hạt cho nông dân lên 14 nghìn đồng/kg, tăng 2.500 đồng so giá được thông báo hồi đầu vụ. Như vậy, liên tục trong hai vụ bông năm 2009 và 2010, giá bông hạt đã ba lần được tăng giá: từ 9.000 đồng lên 10.500 đồng, rồi 11.500 đồng và chính thức hiện nay là 14.000 đồng/kg. Lộ trình giá này được coi là biện pháp tích cực nhằm đẩy mạnh Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định 29/QĐ-TTg ngày 8-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()