Tại đây, hiện tượng “chặt chém” giá cả, mua bán theo kiểu ép buộc. Tình trạng “cò mồi” đeo bám khách, móc túi, cướp giật luôn chực chờ những người sơ hở…
Trong vai khách hành hương đi xe máy đến Chùa Bà, chúng tôi luôn bị “cò mồi” bám theo mời chào nơi ăn, ở, và gửi xe. Ghé vào một điểm trông giữ xe, có ghi mức giá năm nghìn đồng/xe, có nhận giữ nón (mũ bảo hiểm). Thế nhưng, vừa nhận phiếu giữ xe bằng tờ giấy ghi nguệch ngoạc biển số xe, chúng tôi trả năm nghìn đồng thì nhận yêu cầu “15 nghìn anh ơi! (năm nghìn cho xe, 10 nghìn cho hai cái nón bảo hiểm)”. Bấm bụng trả một thành ba, nhưng theo một số bạn bè có kinh nghiệm, ở Châu Đốc thì đây là mức giá thuộc hàng “rẻ nhất”.
Sau khi gửi xe, chúng tôi đi dọc tuyến vỉa hè với nhiều hàng quán san sát. Những lời chào mời mua hàng từ quần áo cũ, mắm… được bày bán trơ trọi, ruồi nhặng bám đầy đến nhang, đèn, trái cây, heo quay… liên tục réo gọi. Dẫu có nhiều đợt ra quân truy quét rầm rộ, lực lượng bảo vệ, công an, dân phòng địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý, nhưng “đội quân” chèo kéo này hầu như vẫn tồn tại, giống như tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Vì thế, tại khu vực Chùa, thường xuyên diễn ra tình trạng “mời ép” mua chim phóng sinh, mua gạo muối, nhang, giấy tiền vàng mã…
Do đã gần vào chính hội nên thời gian này, lượng du khách đến chùa rất đông. Mặc dù lực lượng bảo vệ tại chùa rất nỗ lực trong công tác giữ gìn trật tự, nhưng do khuôn viên của chùa khá rộng, số lượng bảo vệ ít nên các đối tượng xấu cùng “cò mồi” đã trà trộn bắt khách đi xem bói, xin xâm (quẻ) trên khu vực Núi Sam. Đáng chú ý hiện tượng móc túi, rạch giỏ xách, giật dọc liên tục diễn ra. Nhiều du khách sau khi bị mất tài sản, do giá trị nhỏ như vài trăm nghìn đồng, hoặc điện thoại di động, không muốn phiền hà… nên thường không báo bảo vệ, công an địa phương. Một số trường hợp có báo cũng không lấy lại được tài sản.
Chấn chỉnh ngay những bất cập
Liên quan đến những bất cập vừa nêu, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo thị xã Châu Đốc khẩn trương thực hiện đề án “Văn minh thương mại”, nhằm chấn chỉnh tình hình kinh doanh trên địa bàn, nhất là mùa Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thị xã, kiểm tra các hộ kinh doanh, sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Châu Đốc Huỳnh Văn Đường, tại khu vực chùa Vía Bà, chuyện nhiều người dân lợi dụng tâm lý hướng thiện, cầu an của khách hành hương nên phát sinh các hoạt động mê tín… là khó tránh khỏi và rất khó kiểm soát, xử lý. Thời gian qua, các ngành chức năng của thị xã Châu Đốc đã lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra các điểm kinh doanh, buôn bán trong dịp lễ hội, nhưng khi vắng bóng cơ quan chức năng, vẫn xảy ra tình trạng “chặt chém” khách hành hương.
Riêng giá thuê các phòng trọ gần khu vực Núi Sam hiện nay chưa được quản lý, nên vào những ngày cao điểm, giá phòng thường bị nâng rất cao, có khi lên đến một triệu đồng/đêm. Vấn đề này, ngành chức năng cần có phương án làm việc cụ thể với các chủ nhà trọ để thống nhất giá thuê, tránh phiền hà cho du khách. Song song đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về văn minh thương mại, văn hóa ứng xử trong kinh doanh, mua bán, nghiệp vụ lễ tân, nhà hàng, khách sạn… tạo chuyển biến tích cực về thái độ, chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng của bà con tiểu thương và các hộ kinh doanh.
Hằng năm, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam đón hơn hai triệu du khách đến hành hương, thế nhưng hạ tầng phục vụ du lịch của địa phương lẫn Ban quản trị Chùa Bà hầu như chưa được quan tâm đúng mức, đã gây bức xúc trong dư luận. Thiết nghĩ, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành địa phương và lực lượng công an nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm những đối tượng “cò mồi”, trộm, cắp và số người lợi dụng hành nghề mê tín dị đoan gây mất trật tự an ninh, tạo môi trường du lịch tâm linh an toàn, thân thiện tại chùa Bà Chúa xứ Núi Sam.
Ý kiến ()