Ngăn chặn tình trạng trẻ hóa tội phạm
Tình trạng trẻ hóa tội phạm ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại các địa phương, đồng thời đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác quản lý, giáo dục đối với một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay.
Thời gian qua, tại nhiều địa phương xảy ra không ít vụ án mà thủ phạm là thanh, thiếu niên. Điều đáng nói là những hành vi này không chỉ xuất phát từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết mà trước khi gây án, các đối tượng đều có động cơ phạm tội, thủ đoạn thực hiện được tính toán kỹ lưỡng, thậm chí hình thành các băng nhóm. Chỉ với vài thao tác đơn giản tìm kiếm trên internet, ai cũng có thể tìm thấy và tham gia các hội nhóm “đen”, như: Hội những người đi tù (hơn 275.000 thành viên); Hội thanh niên thích đua xe (hơn 10.000 thành viên), Hội vỡ nợ muốn làm liều (hơn 12.000 thành viên); Hội túng quẫn làm liều (8.000 thành viên)… Trong các hội nhóm này, những chủ đề như rủ nhau đi cướp, sử dụng chất cấm, rủ nhau đi đòi nợ… được nhiều thanh, thiếu niên hưởng ứng, đồng ý tham gia. Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến một số vụ việc thanh, thiếu niên lôi kéo, rủ nhau tham gia các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra thời gian qua.
Các thanh, thiếu niên tham gia đánh nhau bị Công an huyện Đông Anh (TP Hà Nội) bắt giữ. |
Mới đây, theo chân các cán bộ, chiến sĩ Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) kiểm tra, trấn áp tội phạm đua xe, vi phạm trật tự xã hội vào ban đêm, chúng tôi chứng kiến chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút đã có nhiều trường hợp thanh, thiếu niên điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, tụ tập thành từng đoàn lạng lách, đánh võng bị các chiến sĩ công an xử lý. Hầu hết các đối tượng tuổi đời còn trẻ nhưng hành vi rất manh động, liều lĩnh. Trước đó, tối 25-9, Công an huyện Đông Anh (TP Hà Nội) cũng đã bắt giữ 12 đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Theo đó, do mâu thuẫn cá nhân, nhóm của N.T.A (sinh năm 2005) mang theo dao, vỏ chai thủy tinh… đi tìm và đánh nhau với nhóm của N.T.Đ (sinh năm 2007). Tại cơ quan điều tra, N.T.A khai nhận do bố mẹ bỏ nhau nên bỏ học, ở nhà với ông bà. Vì thiếu sự quản lý nên khi nghe các bạn rủ đi chơi, đi đánh nhau là N.T.A tham gia ngay…
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, trong đó có gần 24% không biết chữ hoặc chỉ học hết tiểu học, gần 48% đã thôi học, gần 21% người chưa thành niên bị khởi tố có hoàn cảnh gia đình không thuận lợi. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phạm Xuân Thiên, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Đông Anh cho biết: “Nhằm hạn chế tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, chúng tôi thường xuyên phối hợp với nhà trường, các ban, ngành, đoàn thể và công an xã nắm bắt tình hình để kịp thời đấu tranh, xử lý, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để các cháu nâng cao hiểu biết, tránh các hành vi vi phạm pháp luật”. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên nhân khiến thanh, thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật trước hết là do gia đình buông lỏng quản lý. Nhiều bậc phụ huynh do mải làm ăn nên đã để con em tụ tập, đi chơi suốt ngày đêm, dẫn tới bị đối tượng xấu lôi kéo. Bên cạnh đó, do các em chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tinh thần, bị tác động bởi mạng xã hội, các trò chơi bạo lực… cũng là nguyên nhân phát sinh hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng tình với quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh: “Các hành vi vi phạm pháp luật của thanh, thiếu niên đều đã có quy định xử phạt như cảnh cáo, phạt tiền và các hình thức, biện pháp bắt buộc đưa vào cơ sở giáo dục… Đặc biệt, Bộ luật Hình sự cũng quy định hình phạt cho từng nhóm tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, để hạn chế, ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật thì công tác giáo dục, quản lý phải có sự đồng bộ giữa nhà trường và gia đình. Trong đó vai trò của gia đình là rất quan trọng. Cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý con em mình. Với các nhà trường, ngoài việc giáo dục kiến thức, cần tăng thời lượng, chất lượng đào tạo kỹ năng sống, lối sống văn hóa, đặc biệt là ứng xử theo quy định của pháp luật. Chỉ khi các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội thì mới có thể tạo sự chuyển biến tích cực”.
Ý kiến ()