Ngăn chặn tình trạng sử dụng kích điện bắt giun trong đất - Bài 1: Kích giun làm hỏng đất, hỏng cây
Huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) – “thủ phủ” của cam Cao Phong nổi tiếng. Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng kích điện bắt giun trong đất (kích giun) đã xuất hiện trở lại tại đây và một số địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, các hộ làm vườn lo lắng, bức xúc.
Hiện tượng bất thường
Tới xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình, chúng tôi được anh Nguyễn Anh Tuân, chủ vườn cam rộng 3,5ha với hơn 1.000 gốc, dẫn đi thăm vườn. Anh Tuân trầm ngâm nhớ lại thời gian trước kia, khu vườn đột nhiên có sự khác biệt rõ rệt. Nửa vườn phía trên, quả rất đẹp, lá xanh đậm, cỏ quanh gốc cây tươi tốt. Nửa vườn phía dưới, cành khô gãy, lá ngả vàng, các đọt non xoắn lại. Vỏ quả cam xấu đi, quả lác đác rụng. Sau một tháng, khi đào đất lên, thấy rễ tơ của cây bị cháy hết. Cỏ không mọc được, khô dần. Sau hai tháng, quả trút gần hết, cây bị khô cành toàn bộ. Dù đã được tưới bổ sung vi sinh, bón phân hữu cơ, nhưng ở nửa vườn phía trên, đất vẫn khô, cây vẫn chết rễ, cỏ cũng không mọc được. Nhiều cây bị chết hẳn. Một số cây có thể phục hồi nhưng rất chậm (sau hai năm). Lúc đầu, anh Tuân và các hộ làm vườn nghĩ rằng, hiện tượng này là do cây bị bệnh thông thường (vàng lá gân xanh hay vàng lá thối rễ). Thế nhưng, nguyên nhân thật sự lại liên quan đến những con giun ở trong đất và “thủ phạm” chính là những người kích giun.
Cam hỏng, rụng nhiều bắt nguồn từ tình trạng kích giun. |
Một quả cam hỏng có nguyên nhân từ tình trạng kích giun. |
“Người bạn” của đất
Tại UBND huyện Cao Phong, ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thônhuyện giới thiệu với chúng tôi về những lợi ích mà con giun mang lại cho đất. Theo đó, giun như một “kỹ sư” chế tạo độ tơi xốp, phì nhiêu cho đất. Khi giun di chuyển, đào hang, sẽ tạo ra các khoảng trống trong đất. Đất sẽ thông thoáng, nhiều khí oxy, dẫn nước tốt, tạo điều kiện cho rễ cây và các sinh vật phát triển. Theo ông Dán, hiện chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu đầy đủ về việc kích giun sẽ làm đất giảm chất lượng bao nhiêu phần trăm. Nhưng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, giun đất ít đi, thì độ phì nhiêu, tơi xốp của đất sẽ không còn. Đất dần bị nén chặt, khiến bộ rễ của cây không phát triển, làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, thậm chí hỏng cả vườn cây.
Giun có ích cho đất và cây trồng. |
Lợi nhuận “khó cưỡng”
Gần đây, nhu cầu thu mua giun đất tăng cao, khiến hoạt động kích giun nhộn nhịp trở lại. Theo anh Nguyễn Anh Tuân, giun tươi được mua với giá 50.000-80.000 đồng/kg, giun sấy khô là 700.000-800.000 đồng/kg. 10kg giun tươi sẽ sấy được 1kg giun khô. Với lò công suất cao, có thể sấy được 4 tấn giun tươi/ngày. Lợi nhuận cao khiến người dân hám lời, bất chấp cách thức để thực hiện hành vi. Anh Tuân cho biết, mỗi người một lần đi kích giun bình thường sẽ thu được 20-30kg. Ở những vườn được chăm sóc theo hướng hữu cơ, bón nhiều phân chuồng, tận dụng sinh khối cỏ, bón thêm đậu tương, ngô, trứng cá ủ, thì lượng giun sẽ lớn, một đêm kích giun có thể thu được 1,5 tạ.
Một cơ sở sấy giun. |
Trước đây, hoạt động kích giun thường được thực hiện trong hai khoảng thời gian (20 giờ đến 21 giờ và 2 giờ đến 4 giờ sáng), vào thời điểm sau mưa. Nhưng hiện tại, chỉ cần chủ vườn sơ hở, các đối tượng sẽ lợi dụng phá rào vào vườn kích giun. Các đối tượng này hành động bài bản, có thám thính, người vòng trong, vòng ngoài theo dõi chủ vườn, thông báo cho nhau khi có “động”. Với vườn cam của anh Tuân, điều trớ trêu là, đối tượng kích giun không phải ai xa lạ, mà chính là người làm thuê trông vườn. Họ đã phản bội anh. Những ngày anh không ở vườn, những người này đã lén lút mở cổng cho các đối tượng vào kích giun. Khi bị phát hiện, họ khai nhận một người mỗi đêm kích được 1,5 tạ giun. Trong 3 đêm, thu được khoảng 2 tấn giun trên diện tích nửa vườn.
Vườn cam của anh Nguyễn Anh Tuân (xã Thu Phong, huyện Cao Phong) kín cổng, cao tường để đề phòng các đối tượng kích giun. |
Trước tình trạng này, người dân đã phản ánh, kiến nghị lên chính quyền địa phương. Cùng với sự vào cuộc ngăn chặn của các lực lượng chức năng, anh Tuân và các chủ vườn đã có các biện pháp tự bảo vệ. Giờ đây, không chỉ có rào sắt, mà những bức tường kiên cố đã được dựng lên. Anh Tuân nuôi thêm chó để canh phòng; chi khoảng 30 triệu đồng mua hơn 10 camera lắp trong vườn. Một cách làm mang tính tạm thời cũng được thực hiện, đó là để cỏ mọc dày xung quanh gốc cây. Bình thường, cỏ cần được phát quang. Nhưng để cỏ dày sẽ khiến các đối tượng khó kích điện, khi giun chui lên mặt đất cũng khó thu nhặt hơn.
Hệ thống camera trong vườn cam của anh Nguyễn Anh Tuân. |
Anh Nguyễn Anh Tuân theo dõi vườn cam qua điện thoại kết nối với camera. |
Thiết bị “đáng sợ”
Tại trụ sở Công an xã Thu Phong (huyện Cao Phong), Đại úy Trịnh Trung Hưng, Phó trưởng Công an xã chỉ vào các thiết bị tịch thu được từ các đối tượng kích giun rồi cho biết, loại máy này hoạt động khá đơn giản. Người sử dụng chỉ cần cắm hai que nhọn có nối với bộ ắc quy xuống đất. Sau tiếng rít khá chói tai của máy, luồng điện mạnh sẽ được phóng xuống, khiến các sinh vật dưới đất, trong đó có giun, chui lên la liệt.
Đại úy Trịnh Trung Hưng, Phó trưởng Công an xã Thu Phong (huyện Cao Phong) giới thiệu cách sử dụng máy kích giun. |
Hiện nay, trên mạng xã hội, việc tìm mua máy kích giun rất đơn giản, với nhiều chủng loại, giá thành, được quảng cáo là phát ra tiếng kêu nhỏ, khiến nhiều giun chui lên khỏi mặt đất, dùng được ở cả đất khô và đất ẩm…
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()