Ngăn chặn tình trạng nhập lậu cá tầm
Thời gian qua, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lậu cá tầm diễn ra phức tạp, nhất là tại các tỉnh phía bắc, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Thời gian qua, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lậu cá tầm diễn ra phức tạp, nhất là tại các tỉnh phía bắc, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Trước nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản trong nước, ngày 10-7, Văn phòng Chính phủ có Công văn chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, yêu cầu Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) – Bộ Công an điều tra, làm rõ.
Tràn lan cá tầm nhập lậu
Theo báo cáo của C49, thời gian trước tháng 4-2013, trung bình mỗi ngày có khoảng 5 đến 7 tấn cá tầm được vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ, phần lớn là cá nhập lậu. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng hai tấn cá tầm được vận chuyển về thị trường này tiêu thụ (thường được tập kết ở các chợ đầu mối: Yên Sở, Thanh Trì…), nhưng được hợp thức hóa bằng giấy tờ từ các trang trại nuôi trong nước, chỉ còn một lượng nhỏ cá tầm nhập lậu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc được đưa vào từ các tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn. Giá cá tầm nhập lậu tại khu vực biên giới khoảng 70.000 đồng/kg, sau khi vận chuyển về TP Hà Nội được bán với giá 130.000 đến 150.000 đồng/kg (trong khi giá cá tầm trong nước có giá khá cao, khoảng 200.000 đồng/kg, lại nuôi với số lượng ít). Do chênh lệch lớn về giá cả nên các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để nhập lậu cá tầm vận chuyển sâu vào trong nước bán kiếm lời. Qua khảo sát, có những trang trại nuôi cá tầm diện tích không lớn và cá tầm phải nuôi trong một thời gian nhất định (hơn một năm) mới được xuất bán. Nhưng sáu tháng đầu năm 2013, các cơ quan chức năng đã 40 lần cấp giấy kiểm dịch để xuất bán với số lượng khoảng 70 tấn. Cá tầm được nuôi ở các tỉnh phía bắc, chủ yếu là các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Bắc Giang, gần khu vực biên giới với Trung Quốc, nên các đối tượng dễ dàng hợp thức hóa cá tầm nhập lậu thành cá tầm nuôi tại các trang trại.
Trước đó, ngày 7-7, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh cảnh báo, việc nhập lậu cá tầm đang đe dọa nghiêm trọng đến sự “sinh tồn” của cá tầm trong nước. Hiệp hội khẳng định, số lượng cá tầm lậu “đội lốt” cá tầm Việt Nam đang được đưa vào các siêu thị, bán tràn lan tại các chợ thực phẩm lớn ở Hà Nội. Giám đốc Công ty cá tầm Việt Nam Lê Anh Ðức khẳng định, ở miền bắc không thể có trường hợp cá tầm chuyển từ Tây Nguyên ra bán tại siêu thị. Phần lớn cá tầm đang bán ra là cá tầm nhập lậu.
Khu vực cá tầm lậu thường chuyển qua là các cửa khẩu quốc tế, quốc gia, các điểm thông quan, chợ biên giới, các điểm mở dọc theo tuyến biên giới như Bắc Phong Sinh, Bình Liêu, Trà Cổ – Móng Cái (Quảng Ninh); Cốc Nam, Chi Ma (Lạng Sơn), Khu kinh tế quốc tế Lào Cai; Phục Hòa, Tà Nùng (Cao Bằng)… Các tỉnh trung chuyển, tiêu thụ cá tầm lậu từ Trung Quốc, gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên và TP Hồ Chí Minh. Cơ quan Công an cũng lưu ý các bến bãi, điểm tập kết trung chuyển cá tầm vào nội địa, các chợ đầu mối thực phẩm lớn trên tuyến, đặc biệt là chợ Yên Sở, các đại lý cá lớn ở Hà Nội.
C49 cho biết, các đường dây buôn bán cá tầm đều có đối tượng cầm đầu và thu mua ở biên giới, tổ chức vận chuyển vào nội địa; đối tượng bảo kê, bao biên, bao tuyến tại các khu vực biên giới, trên các tuyến giao thông… Ðáng lưu ý, có khoảng 10 đối tượng đầu nậu tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng buôn bán, vận chuyển trái phép cá tầm và thủy sản từ Trung Quốc vào Việt Nam. Chiều 9-7, trong lúc tuần tra kiểm soát trên quốc lộ 18, huyện Yên Hưng, Ðội Tuần tra kiểm soát giao thông 1/18, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện xe ô-tô chở khách 16 chỗ BKS 29B-04621 có biểu hiện nghi vấn nên đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Các hàng ghế trong xe đã bị tháo, thay vào đó là để các thùng xốp lớn, bên trong có rất nhiều cá tầm sống, tổng cộng 600 kg. Lái xe là Phạm Tiến Trường, trú tại huyện Hải Hà (Quảng Ninh) cho biết, cá tầm có nguồn gốc từ Trung Quốc và đang trên đường vận chuyển từ Móng Cái về Thái Bình tiêu thụ.
Mặc dù công tác kiểm tra, truy bắt rất gắt gao, nhưng các đối tượng vi phạm thường sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó, nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Chúng thường sử dụng các xe ô-tô tải nhỏ, xe máy, đò máy để vận chuyển; lợi dụng đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số để thuê vận chuyển với số lượng nhỏ lẻ. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng thường bố trí người cảnh giới, giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng; thường xuyên thay đổi lịch trình hoạt động. Ðể đưa thủy, hải sản và cá tầm nhập lậu vào trong nước, các đối tượng buôn lậu thuê cửu vạn cõng hàng qua biên giới bằng đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, sau đó tập kết tại các địa điểm gần biên giới, khu vực chợ đầu mối, đợi có cơ hội thuận lợi dùng xe ô-tô tải vận chuyển qua các tuyến đường bộ đưa đi tiêu thụ. Ðể hợp thức hóa lượng cá tầm nhập lậu, các đối tượng cấu kết với các chủ trang trại nuôi cá tầm ở các tỉnh biên giới làm giấy tờ để hợp thức hóa.
Kiên quyết đấu tranh, triệt phá
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm – Bộ Công an, C49 đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tập trung điều tra, truy quét trên các tuyến vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm, trong đó có thủy sản, cá tầm nhập lậu, gồm: Quảng Ninh – Hà Nội, Lạng Sơn – Hà Nội, Cao Bằng – Hà Nội, Lào Cai – Hà Nội. Qua công tác nắm tình hình, lực lượng đã phát hiện và phối hợp ngành chức năng phát hiện xử lý 40/40 đối tượng vận chuyển, buôn bán thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc đang trên đường vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ; tịch thu hơn 30 tấn thủy sản các loại, trong đó có gần 10 tấn cá tầm, xử phạt gần 200 triệu đồng, bán phát mại nộp ngân sách nhà nước 400 triệu đồng.
Từ những thông tin phản ánh tình hình thủy, hải sản, cá tầm nhập lậu, Cục cảnh sát Ðiều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (C46) đã phối hợp PC46 công an các địa phương triển khai lực lượng tại khu vực các tuyến biên giới với Trung Quốc, bắt giữ hai vụ vận chuyển cá tầm nhập lậu trên hai ô-tô vận chuyển từ Móng Cái – Quảng Ninh về Hà Nội tiêu thụ, gồm 4.300 kg cá tầm nhập lậu, xử phạt 10 triệu đồng, tịch thu bán phát mại 100 triệu đồng.
Thời gian tới, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng C49, công tác tuyên truyền về nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh của các mặt hàng thủy sản nhập lậu cần làm sâu rộng. Qua đó, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 127 các địa phương cần tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Y tế, Thú y, Quản lý thị trường… tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động nhập khẩu, buôn bán hàng hóa khu vực biên giới để chủ động ngăn chặn các hành vi nhập lậu các mặt hàng thủy sản ngay từ tuyến đầu… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan thú y và chính quyền các địa phương tiến hành khảo sát, kiểm tra các trang trại nuôi trồng thủy sản, để đánh giá thực trạng tình hình nuôi trồng thủy sản trong nước, trên cơ sở đó, khi tiến hành cấp giấy xác nhận nguồn gốc hàng hóa, hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản bảo đảm đúng quy định, không để đối tượng lợi dụng giấy chứng nhận để hợp thức hóa thủy sản nhập lậu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()