Ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch bệnh để xâm phạm đời tư
Ngày 12-3, trên trang facebook cá nhân, ca sĩ Thái Thùy Linh đăng tải một status (trạng thái) với tiêu đề: “Bức ảnh này là sai sự thật?”. Nội dung nữ ca sĩ chia sẻ là về bức ảnh một phụ nữ trẻ và một bé gái đang được lan truyền trên mạng, được cho là liên quan đến bệnh nhân số 21 cùng những lời đồn ác ý. Theo ca sĩ Thái Thùy Linh cho biết, đó là diễn viên N.M.L và bé gái cũng là một diễn viên, người mẫu nhí. Bức ảnh được chụp từ một bộ phim và hoàn toàn không liên quan đến câu chuyện đang được một số người thêu dệt. Sự việc khiến nữ diễn viên N.M.L vô cùng bức xúc, như cô chia sẻ thì: Bây giờ đến bạn bè người quen cũng tưởng đó là câu chuyện về mình. Sự việc này đã xúc phạm, ảnh hưởng đến mình rất nhiều. Thậm chí có người dù không hề quen biết nhưng lại rất tự tin khẳng định biết rõ người trong ảnh (tức diễn viên N.M.L), từ đó đưa ra thông tin bịa đặt như mình là người trong cuộc biết rõ mọi chuyện, rồi đưa ra lời lẽ xúc phạm, công kích cá nhân đầy ác ý. Chính vì thế, chưa đầy một ngày kể từ khi bức ảnh lan truyền với tốc độ chóng mặt trên nhiều diễn đàn, group chat (trò chuyện nhóm), nữ diễn viên buộc phải lên tiếng trên facebook cá nhân với nội dung: “Ðề nghị tất cả những ai đăng những thông tin này nên xóa ngay bài đi nhé. Mình là người trong bức ảnh này và bé Moon, diễn viên nhí đóng phim cùng mình. Mọi người chia sẻ giúp mình với”. Ðồng thời, nữ diễn viên cho biết đang thu thập bằng chứng về số người đăng tải tin giả liên quan đến chị để làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, cho dù sau khi biết sự thật, không ít người đã vội vã xóa các thông tin sai lệch, đồng thời lên tiếng cảnh báo cộng đồng.
Ðáng tiếc sự việc trên không phải là cá biệt. Có thể thấy dù được cơ quan chức năng cảnh báo và xử phạt nghiêm khắc, nhưng thời gian qua, tình trạng đưa thông tin sai, lan truyền tin đồn thất thiệt, xâm phạm đời tư của người khác vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Như gần đây, liên quan đến Covid-19, nhiều bệnh nhân, người nghi nhiễm đang trở thành “mồi ngon” của một số cư dân mạng. Chỉ từ đồn đoán, “nghe nói” thiếu căn cứ, hoặc vì muốn gây chú ý, hay vì mục đích thiếu trong sáng, một số người không ngần ngại tùy tiện đào xới các thông tin liên quan đến những người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 theo chiều hướng giật gân, có tính kích động rồi lan truyền trên mạng xã hội, gửi tin nhắn vào các group. Từ đó, không chỉ người không may bị nhiễm Covid-19 hoặc đang thuộc diện nghi vấn phải cách ly mà cả nhà cửa, tài sản, người thân, bạn bè của họ cũng trở thành mục tiêu săn tìm của những kẻ ác ý. Thế nên dù không liên quan mà bố mẹ, anh chị em, các mối quan hệ thân quen, công việc… của họ đã vô cớ bị công khai danh tính, kèm theo là hàng loạt thông tin riêng tư về công việc, sở thích, các quan hệ xã hội… Facebook cá nhân của họ cũng trở thành mục tiêu để khai thác thông tin, bị tấn công một cách thô bạo. Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), chỉ trong vòng hai ngày, trên không gian mạng đã xuất hiện hơn 80.000 tin liên quan đến dịch Covid-19 và bệnh nhân số 17. Trong số này có không ít thông tin thất thiệt, trái chiều, sai sự thật. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi một số người nhập cuộc bằng thủ đoạn đưa ra thông tin thiếu chính xác, bịa đặt ác ý như đưa ra nghi vấn về tài khoản “khủng” của người bị nhiễm Covid-19, dựng chuyện có quan hệ bất chính, bất minh… Thậm chí một số đối tượng còn dựa theo “thuyết âm mưu” để xuyên tạc, suy diễn chuyện “động trời”, từ đó bôi nhọ, công kích chế độ, xuyên tạc đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Tiêu biểu như trường hợp bệnh nhân số 21, theo thông tin của Bộ Công an, những ngày qua trên không gian mạng lan truyền nhiều thông tin thất thiệt như bịa đặt, xuyên tạc bệnh nhân này có “bồ nhí, con riêng”, khai báo y tế không trung thực… Chỉ trong thời gian ngắn, các thông tin sai sự thật như vậy được lan truyền, chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội, nhiều người không cần kiểm chứng đã tự cấp cho mình “quyền phán xét” để vào bình luận, làm tăng sự nghi ngờ, gây mất trật tự xã hội, có thể đưa tới hệ lụy khó lường. Chưa kể, những thông tin dối trá như vậy, lập tức đã trở thành cơ hội để các đối tượng phản động, chống đối về chính trị ở trong và ngoài nước lợi dụng nhằm kích động, gây hoài nghi, làm xói mòn niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ Ðảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận. Trước tình trạng đáng báo động nói trên, một độc giả nhận xét: “Nếu chẳng may bị nhiễm bệnh cũng không đáng sợ bằng việc bị cộng đồng mạng tung tin thất thiệt, bị những người thiếu hiểu biết kỳ thị xa lánh”…
Việt Nam được WHO và cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong hoạt động kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Ðó là do có sự chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời và quyết liệt của Ðảng, Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh mới và các trường hợp nghi nhiễm đang nguy cơ tiếp tục gia tăng, đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn cho cơ quan chức năng cùng toàn dân. Hơn lúc nào hết chúng ta cần sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho bản thân và cộng đồng; không chủ quan nhưng cần chủ động, luôn bình tĩnh trước tình hình dịch bệnh. Tuyệt đối không nên tin theo, có hành vi kỳ thị, rồi lan truyền thông tin bịa đặt, sai sự thật, không thể kiểm chứng, để kẻ xấu lợi dụng hoặc vô tình xâm phạm đời tư người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Cần xác định, người nhiễm virus corona là người bị bệnh, điều đó đồng nghĩa với việc họ đang bị tổn hại về sức khỏe và tâm lý, cần được chăm sóc về y tế, động viên về tinh thần. Với một số cá nhân người bệnh, nếu vi phạm những quy định của pháp luật như khai báo thiếu trung thực, không chấp hành nghiêm các quy định của ngành chức năng về phòng, chống dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng sẽ có cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Việc kỳ thị, xâm phạm đời tư của người bệnh là hành vi cần được lên án mạnh mẽ, vì đó không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là hành vi có thể gây ra rối loạn, bất ổn trong xã hội, cản trở công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ðể bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cơ quan chức năng đã công khai thông tin và lộ trình của từng ca nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, để trên cơ sở đó khoanh vùng đối tượng tiếp xúc, có biện pháp xử lý thích hợp. Vấn đề này được quy định trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2007. Cụ thể, tại khoản 3 Ðiều 4 “Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm” quy định: “Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch”. Chính từ sự công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh ở Việt Nam mà thời gian qua cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã chủ động kiểm soát, hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Việc minh bạch thông tin đã giúp cộng đồng nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh. Ðiều này hoàn toàn khác biệt về bản chất với việc lợi dụng các thông tin này để xuyên tạc, bôi nhọ hoặc xâm phạm đời tư cá nhân, nhằm vụ lợi, gây bất ổn xã hội hoặc sử dụng để phục vụ mục đích cá nhân. Chưa kể, khoản 5, Ðiều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: “Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm”. Khoản 1, Ðiều 21 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (năm 2013) cũng đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Tại Ðiều 34 Bộ luật Dân sự (2015) về “Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín” cũng quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Do đó, trong trường hợp cá nhân bị gán tin giả, tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đưa tin giả, tin sai sự thật phải đính chính, gỡ bỏ thông tin, có quyền yêu cầu người đưa tin giả, tin sai sự thật phải xin lỗi, cải chính công khai, và bồi thường thiệt hại. Trường hợp không xác định được người đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Tùy theo mức độ, người có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời gian qua, nhiều cá nhân đã bị xử phạt vì đăng tải tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan tình hình dịch bệnh Covid-19. Ðây là sự răn đe, cảnh tỉnh nghiêm khắc tới những ai vẫn còn thiếu ý thức trách nhiệm công dân, bất chấp các quy định của luật pháp, coi mạng xã hội là nơi tự tung, tự tác, muốn phát ngôn hay làm gì cũng được… Nâng cao ý thức công dân khi tham gia mạng xã hội là phương cách thiết thực để mỗi người góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp, cũng như phòng, chống Covid-19 một cách thiết thực, hiệu quả. Trong bối cảnh đó, ý kiến của một nhà báo trên Facebook gần đây rất đáng để chúng ta suy ngẫm: “có một con virus kinh khủng đã lan tràn trong đời sống của chúng ta, vào tận giường ngủ của các vợ chồng, bữa cơm các gia đình, cuộc nói chuyện của bạn bè… và gây ra sự căng thẳng, lo sợ, thậm chí hoảng loạn: đấy là fake news (tin giả) mùa dịch bệnh. Những tin tức theo kiểu “nghe nói là”, “ở chỗ này căng lắm”, “toang rồi”,… mà không có bất cứ sự kiểm chứng và nguồn chính thống nào xác nhận, từ các trang facebook tung lên, hoặc để câu view, hoặc để gieo rắc nỗi sợ hãi, thậm chí bán hàng online đã là một thứ virus có sức tàn phá ghê gớm đối với tinh thần của mỗi người chúng ta, biến chúng ta thành một dạng virus bi quan, chán nản, hoảng sợ lây lan sang thêm những người khác nữa. Làm thế nào để chống lại nó, làm thế nào để chúng ta khỏe mạnh về thể xác và tinh thần để sống tốt, mà như thế mới chống được cả fake news lẫn virus corona lây lan? Tất cả phụ thuộc vào mỗi người trong chúng ta”.
Ý kiến ()