Ngăn chặn tình trạng đầu tư lớn, hiệu quả thấp ở Quảng Ninh
Những năm qua, với cơ chế chính sách hợp lý, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách theo hình thức BT, BOT, PPP... Theo đó, nhiều công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu được hoàn thành, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển chung của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có các dự án, công trình có số vốn đầu tư lớn nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Ðường tránh… nhưng không tránh
Sau ba năm thi công, với mục đích giảm mật độ lưu thông các phương tiện, xe tải, xe công-ten-nơ và khắc phục tình trạng quá tải, mất an toàn giao thông khu vực nội thị TP Hạ Long, dự án xây mới tuyến đường vành đai phía bắc TP Hạ Long (đoạn Vũ Oai – Quang Hanh) với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng đã hoàn thành và mới đây đã chính thức thông xe vào tháng 10-2103.
Tuyến đường này được đưa vào sử dụng góp phần khắc phục tình trạng quá tải và mất an toàn giao thông khu vực nội thị TP Hạ Long bởi đây là tuyến cho xe tải, xe công-ten-nơ lưu thông. Ðồng thời giảm các tác động tiêu cực đến môi trường do bụi và khí thải; tạo quỹ đất để mở rộng không gian đô thị, bảo đảm chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sau hơn ba tháng đưa vào sử dụng phân luồng, nhiều lái xe phản ánh nếu không có lực lượng chức năng hướng dẫn phân luồng ở hai đầu tuyến thì họ không biết vì biển chỉ dẫn nhỏ không để ý, không biết. Không những thế, tuyến đi từ ngã ba Tiêu Giao về phía Cẩm Phả vòng vèo nên gây khó khăn cho phương tiện lưu thông. Chính vì vậy, để đáp ứng được hiệu quả của tuyến đường, ngành Giao thông vận tải (GTVT) sớm có giải pháp nghiên cứu tham mưu cho tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai thi công đoạn Cái Mắm – Ðồng Ðăng của tuyến đường. Trước mắt cần phải có biển chỉ dẫn hợp lý để người điều khiển phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến được thuận lợi.
Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh Vũ Văn Khánh cho biết: “Tuyến đường chưa phát huy hiệu quả là do việc đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, bởi hiện nay tỉnh chưa triển khai xây dựng đoạn tuyến nối từ QL18 khu vực Cái Mắm đi Ðồng Ðăng để đi tiếp vào đường tránh. Mặt khác, do quy hoạch đoạn tuyến này lại trùng với dự án đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái, nên dừng lại không đầu tư nữa. Trong khi đó, các tuyến có thể phân luồng đi qua tuyến vành đai phía bắc TP Hạ Long phải qua một đoạn đường nội thị dài hơn 1 km, nếu để xe công-ten-nơ, xe có tải trọng lớn đi qua sẽ phá hỏng đoạn đường này. Vậy là vẫn chưa tìm được hướng khắc phục”. Cũng theo lý giải của ông Khánh: Ðể đáp ứng hạ tầng đồng bộ tuyến tránh, năm 2014, tỉnh sẽ đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vào khu công nghiệp Việt Hưng dài khoảng 6 km với tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng; còn tuyến QL 279, Bộ GTVT và Tổng cục Ðường bộ Việt Nam đồng ý năm 2014 cho thảm thêm lớp bê-tông nhựa tăng cường để bảo đảm cường độ mặt đường cho xe tải nặng, xe công-ten-nơ qua lại. Ngay khi các dự án trên hoàn thành, Sở GTVT sẽ báo cáo Bộ GTVT và Tổng cục Ðường bộ Việt Nam ra quyết định bắt buộc xe tải trọng lớn phải đi qua tuyến đường vành đai phía bắc Hạ Long.
Vậy có nghĩa chỉ khi các dự án trên hoàn thành, việc thực hiện quy định bắt buộc xe tải trọng lớn phải chạy qua tuyến đường vành đai phía bắc Hạ Long mới thật sự có hiệu quả. Và như vậy, điều này đồng nghĩa với việc tuyến đường nội thị TP Hạ Long còn phải gồng mình chịu sự quá tải của phương tiện quá khổ, quá tải và các nguy cơ dẫn đến mất an toàn giao thông.
Chưa phát huy lợi thế cảng biển
Năm 1996, Cảng Mũi Chùa được Bộ GTVT quyết định duyệt dự án khả thi xây dựng với quy mô bố trí hai bến cho tàu 1.000 DWT làm hàng, mỗi bến dài 54 m cách biệt thành khu hàng rời và hàng bao, khu quay trở tàu 240 m, kho hàng 1.440 m2; kho xăng 100 m3, bãi hàng 4.500 m2 với quy mô hàng hóa thông qua cảng là 260 nghìn tấn/năm, hai cần trục 16 tấn, hệ thống phễu, băng chuyền… với tổng vốn đầu tư gần 25 tỷ đồng. Năm 1999, cảng bắt đầu được đi vào hoạt động và được giao cho Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Quảng Ninh quản lý, khai thác, mỗi năm trung bình sản lượng hàng hóa thông cảng chỉ khoảng 30 nghìn tấn.
Vì sao một cảng có nhiều thuận lợi như nước sâu, kín gió là đầu mối giao thông quan trọng giao lưu với các tỉnh trong nước và quốc tế, mà lượng hàng thông qua lại đạt thấp như thế? Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân là do từ khi đưa vào sử dụng, đến nay, các phương tiện, thiết bị ở cảng không được quan tâm đầu tư nâng cấp, bến bãi chật hẹp, có hai kho kín thì một DN liên doanh nước ngoài thuê để chế biến quặng. Hiện DN này đã bị UBND tỉnh rút giấy phép đầu tư nhưng thiết bị đang nằm “ăn vạ” trong kho bãi của cảng. Hiện Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Quảng Ninh là đơn vị quản lý, khai thác cảng đã có văn bản gửi UBND tỉnh và Cục Hàng hải Việt Nam cho phép đầu tư nâng cấp bến số 1, xây dựng cầu bến số 2 và quy hoạch đầu tư mở rộng cầu bến số 3 và các công trình hạ tầng về phía Tây cảng. Thế nhưng đến nay vẫn chưa được đồng ý. Ðể thu hút khách hàng tới cảng, hiện tại công ty vừa đầu tư thêm một cần cẩu KB-043 và cho sửa sang lại mặt bằng cảng. Bên cạnh đó, công ty cũng tích cực tìm kiếm DN đưa tàu vào làm hàng. Hiện nay cũng chỉ có một vài DN bốc xếp dăm gỗ tại cảng với sản lượng rất thấp và nguồn hàng bấp bênh.
Có thể nhận thấy rằng, cảng biển Mũi Chùa với lợi thế là đầu mối quan trọng không chỉ cho phía đông bắc Quảng Ninh, mà còn cho các tỉnh lân cận, bởi lẽ nó giúp rút ngắn khoảng cách lưu thông hàng hóa so với vận chuyển bằng đường bộ qua QL18 và là điểm tập kết thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tới các cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu), Bắc Phong Sinh (Hải Hà), Móng Cái và một số cửa khẩu ngoài tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng. Tuy nhiên, sau gần 15 năm đi vào hoạt động, tiềm năng lợi thế này chưa được khai thác đúng mức và không biết sẽ còn bị bỏ phí đến bao giờ?
Cách đây gần bảy năm, KCN và cảng biển Hải Hà có quy mô diện tích khoảng 5.000 ha, trong đó diện tích KCN Hải Hà khoảng 3.900 ha được khởi công với chủ đầu tư ban đầu là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), sau đó giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), nhưng do các tập đoàn này gặp khó khăn về khả năng tài chính nên Chính phủ quyết định giao lại cho tỉnh Quảng Ninh và bổ sung KCN và cảng biển Hải Hà vào Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc sớm hoàn chỉnh quy hoạch của KCN và cảng biển Hải Hà để đi vào triển khai xây dựng là một trong những giải pháp để giảm tải cho các cảng lớn hiện đang trong tình trạng quá tải, cũng là để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng nước sâu này phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ðến nay, chỉ có Tập đoàn Indevco cam kết ứng vốn để lập quy hoạch điều chỉnh lại KCN và cảng biển Hải Hà phù hợp với xu thế phát triển và tình hình hiện tại với phương án điều chỉnh lại quy hoạch KCN và cảng biển Hải Hà trên nguyên tắc cơ bản tôn trọng quy hoạch cũ, chỉ điều chỉnh tăng thêm về diện tích, mật độ cây xanh, xây dựng, bố trí thêm các khu xử lý rác thải trong KCN, đưa thêm quy hoạch cảng kho dầu vào, phân định rõ hệ thống giao thông kết nối với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và các vùng phụ cận tạo sự liên hoàn trong hệ thống hạ tầng… Tuy nhiên, trên thực tế đến thời điểm này, việc quy hoạch và triển khai dự án vẫn giậm chân tại chỗ.
Vẫn biết việc tìm lối thoát cho dự án KCN và cảng biển Hải Hà là cần thiết, nhưng cơ sở để đưa ra phương án đầu tư cảng Hải Hà hiện nay của các doanh nghiệp vẫn chưa có sự nghiên cứu, đánh giá phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay, và điều này đang đặt ra câu hỏi đối với các nhà quản lý về tính hiệu quả của dự án?
Quảng Ninh đang phát triển bền vững từ “nâu” sang “xanh”, vì vậy rất cần có sự định hướng và quản lý chặt chẽ đối với các dự án, công trình trọng điểm thật sự đem lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đồng thời ngăn chặn và giảm được những thất thoát, lãng phí không cần thiết trong xu thế phát triển của mình.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()