Ngăn chặn tiền giả vận chuyển qua biên giới
Đồn Biên phòng Tân Thanh bắt giữ đối tượng vận chuyển 80 triệu đồng tiền giả qua biên giới trong tháng 1/2017 |
Vào thời điểm cuối tháng 1/2017, Đồn Biên phòng Tân Thanh đã ngăn chặn và bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển tiền Việt Nam giả qua biên giới với tổng số tiền giả lên tới 230 triệu đồng. Trung tá Nguyễn Bá Hùng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết: Các đối tượng vận chuyển tiền giả rất liều lĩnh, bọn chúng không chỉ vận chuyển số lượng tiền giả lớn qua biên giới mà còn sử dụng tiền giả để mua bán, lừa đảo người bán hàng ngay tại khu vực cửa khẩu. Cụ thể như đối tượng Long Văn Quốc (sinh ngày 18/6/1982, quê quán ở xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: thôn Tam Đồng, Ea Tam, Krông Năng, Đắk Lắk) bị bắt giữ khi đang mang 80 triệu đồng tiền Việt Nam giả để mua bán tại cửa khẩu Tân Thanh.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, tình hình loại tội phạm này diễn biến phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Do đây là “hàng hóa” siêu lợi nhuận, giá mua tiền giả tại Trung Quốc chỉ khoảng từ 15% đến 30% giá trị tiền thật, nếu tiêu thụ trót lọt thì lợi nhuận thu được sẽ rất cao. Chính vì vậy, thời điểm vừa qua, các đối tượng buôn bán, vận chuyển tiền giả manh động, liều lĩnh hơn, số tiền giả vận chuyển lên đến hàng trăm triệu đồng. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thời gian qua, toàn lực lượng bắt giữ được 4 vụ (chưa tính 2 vụ Đồn Biên phòng Tân Thanh bắt giữ được trong tháng 1/2017) vận chuyển tiền Việt Nam giả với tổng số tiền lên đến hơn 1,2 tỷ đồng và hầu hết các tờ tiền giả đều là loại có mệnh giá 200.000 đồng. Không chỉ bộ đội biên phòng, lực lượng công an cũng bắt giữ được gần 1 tỷ đồng tiền Việt Nam giả.
Mặc dù số lượng tiền giả mà các lực lượng chức năng bắt giữ thời gian qua khá lớn, nhưng do lợi nhuận mang lại cao nên nhiều đối tượng vẫn tiếp tục tham gia vận chuyển tiền giả. Theo lãnh đạo Đồn Biên phòng Tân Thanh, trong năm 2016, lực lượng của đồn đã bắt giữ đối tượng nữ người Bắc Giang, đối tượng này vừa hết án về tội danh vận chuyển tiền giả lại tiếp tục phạm tội.
Tại cuộc họp chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm vào cuối năm 2016, đại tá Vũ Hồng Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh và đại tá Trịnh Quốc Huy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đều nhận định: Thời gian tới, tình hình vận chuyển tiền giả vẫn diễn biến phức tạp. Phương thức thủ đoạn chủ yếu là vận chuyển qua các đường mòn, khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu và găm, trộn, vùi trên các xe hàng xuất, nhập qua các cửa khẩu.
Với quyết tâm đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ; thường xuyên tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát tại các đường mòn, đường tắt, lập chốt chặn tại khu vực cửa khẩu và trên các tuyến giao thông; mở các đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, kiên quyết không để tiền giả lọt vào sâu nội địa. Cụ thể như: lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan tại các cửa khẩu đã chủ động phối hợp tuần tra, kiểm soát trong địa bàn hoạt động để kịp thời phát hiện các hành vi vận chuyển, tàng trữ và lưu thông tiền giả. Ngoài ra, các lực lượng cũng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trong nhân dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm tiền giả, cách nhận biết tiền giả, hậu quả và tác hại của việc mua bán, vận chuyển và lưu hành tiền giả nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia tố giác tội phạm.
Ý kiến ()