Ngăn chặn thuốc và thực phẩm chức năng giả
Thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) giả, không rõ nguồn gốc và chất lượng, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường cho người sử dụng. Nhiều vụ việc đã bị cơ quan công an, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn rất nhức nhối.
Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, thuốc giả được phát hiện ở nước ta bao gồm cả tân dược và đông dược, sản xuất ở trong nước và nhập khẩu; gây nhiều tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Trong khi đó, thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới, khiến khoảng 200.000 người chết mỗi năm. Tại Hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả-Hiện trạng và giải pháp” do Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22-9-2022 ở TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam cho biết: “Số lượng thuốc giả xâm nhập vào hệ thống cung ứng và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi và người bệnh khó có thể phát hiện được điểm khác nhau so với thuốc thật. Nếu sử dụng phải thuốc và TPCN giả sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người”.
Mới đây, ngày 7-9-2022, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành Quyết định số 518/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Văn phòng đại diện Công ty Maxtar Bio-Genics, địa chỉ tại số 100 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3 (TP Hồ Chí Minh) vì lý do: Công ty Maxtar Bio-Genics sản xuất thuốc LIV-X-Tablets, số đăng ký VN-18014-14, số lô MYTHB1801, ngày sản xuất 6-3-2018, hạn dùng ngày 5-3-2020 vi phạm chất lượng mức độ 2 theo quy định của pháp luật. Theo đó, Văn phòng đại diện Công ty Maxtar Bio-Genics bị phạt 70 triệu đồng và buộc tiêu hủy lô thuốc kém chất lượng.
Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang tiến hành niêm phong tang vật vụ án tại Công ty Cổ phần Công nghệ cao UEPHS do đối tượng Vũ Văn Sỹ làm giám đốc. Ảnh: Công an cung cấp |
Trước đó, ngày 25-8-2022, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thông tin: Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội lấy mẫu 4 lô thuốc trên nhãn ghi viên nén Ophazidon do Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Nội sản xuất, số đăng ký VD-26803-17, số lô 290621, sản xuất ngày 8-6-2021, hạn dùng ngày 8-6-2023; số lô 390721, sản xuất ngày 15-7-2021, hạn dùng ngày 15-6-2023; số lô 540921, sản xuất ngày 20-9-2021, hạn dùng ngày 20-9-2023 và số lô 691121, sản xuất ngày 23-11-2021, hạn dùng ngày 23-11-2023. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, các mẫu thuốc này không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính, định lượng caffeine và định lượng paracetamol.
Trước đó nữa, Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm tỉnh Cao Bằng tiến hành lấy mẫu xác định chất lượng sản phẩm trên nhãn ghi: Viên nén Ophazidon; số đăng ký VD-26803-17; số lô: 480821; ngày sản xuất 17-8-2021, hạn sử dụng ngày 17-8-2023 của Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nội, cũng xác định không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu định tính, định lượng caffeine và định lượng paracetamol. Sau khi xác minh, mẫu thuốc không đạt chất lượng này được xác định là sản phẩm giả mạo. Cụ thể, thông tin trên nhãn thuốc: Chữ in trên nhãn thuốc có phông chữ sai, khác so với thuốc thật. Đối chiếu vị trí trình bày số đăng ký và số lô sản xuất trên nhãn: Với thuốc giả có chữ “S” thẳng hàng với chữ “V”; trong khi thuốc thật chữ “S” lệch về bên trái chữ “V”. Trên viên thuốc thật có khắc chữ “TK” nhưng hình ảnh trên viên thuốc giả chữ “TK” không sắc nét; màu sắc trên viên thuốc giả không đồng nhất…
Đối với sản phẩm TPCN, ngày 16-6-2022, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với các đơn vị liên quan bắt quả tang, thu giữ 16 thùng nặng khoảng 600kg chứa các viên nang là thực phẩm chức năng Collagen giả và 13 thùng chứa vỏ hộp giấy, hộp nhựa, tem nhãn Collagen, cùng 3 máy khò và nhiều đồ vật liên quan. Đối tượng Vũ Văn Sỹ, sinh năm 1995 là Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ cao UEPHS thừa nhận, đã đặt mua các viên nang trên từ một số cá nhân, sau đó làm giả các loại vỏ hộp, nhãn mác để đóng gói thành sản phẩm Collagen Gold (giả sản phẩm Collagen do Công ty Cổ phần Dược phẩm Top Queen Việt Nam là đơn vị đăng ký nhập khẩu từ nhà sản xuất AVA Pharmaceutical) nhằm mục đích kiếm lời. Mở rộng vụ án, Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ Ong Thị Vân, sinh năm 1988 là Giám đốc Công ty TNHH Nam Phong (địa chỉ tại ngách 322/95/29 đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Đối tượng này khai nhận đã đặt 1.200 lọ thực phẩm chức năng Collagen của Sỹ và giao cho trình dược viên bán trên facebook.
Trước đó, vào cuối tháng 2-2022, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã bắt giữ và xử lý pháp luật đối với Nguyễn Đăng Hoàng Chương, sinh năm 1994 về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm gồm: Cao bôi dược liệu, Khớp Khang Thọ, xoang Ngọc Linh, kem dưỡng trắng da Sắc Bảo Ngọc, Bổ phế ích phế Đan, Oga Max, Khang Cốt Đơn, Mộc Vị Khang, Cát vượng Hoàn, An thần Đan, dạ dày Tâm Vị…
Tại Hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả-Hiện trạng và giải pháp”, PGS, TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp Dược học, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, Bộ Y tế cho rằng: “Các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính cần đầu tư các giải pháp công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý dễ dàng nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm của mình, chống giả mạo. Ngoài ra, với việc công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì cần nghiên cứu, phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả, hàng nhái”.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề xuất: “Công tác quản lý nhà nước cần phải được tăng cường hơn nữa để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Các tổ chức, cá nhân, sản xuất, kinh doanh vì sự phát triển bền vững của mình, cần bảo đảm các quyền của người tiêu dùng. Người dân cần tỉnh táo và chỉ nên mua thuốc, TPCN có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và cần có sự tư vấn của các bác sĩ. Khi phát hiện những dấu hiệu giả mạo, cần thông tin cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý”.
Ý kiến ()