Ngăn chặn thực phẩm không an toàn
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ ngày 8 đến 14/2/2024) cả nước có 616 trường hợp khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, trong đó có 314 trường hợp nhập viện theo dõi và điều trị.
Điển hình tại tỉnh Bạc Liêu ghi nhận một vụ nghi ngờ ngộ độc rượu tại bữa cơm gia đình xảy ra vào ngày 11/2, khiến 4 người nhập viện điều trị, trong đó có 2 người tử vong.
Tình trạngthực phẩm không an toàn, không bảo đảm vệ sinh an toàn đã và đang diễn biến phức tạp, nhất là những thời điểm trước, sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu Xuân.
Từ những số liệu và vụ việc nêu trên cho thấy, tình trạng thực phẩm không an toàn, không bảo đảm vệ sinh an toàn đã và đang diễn biến phức tạp, nhất là những thời điểm trước, sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu Xuân. Bởi những thời điểm này, lượng du khách đến các điểm di tích, lễ hội truyền thống rất lớn với mục đích tham quan, vãn cảnh hoặc thực hiện các nghi thức văn hóa tâm linh.
Cùng với đó, nhu cầu ăn uống, mua bán các loại thực phẩm tại những nơi này cũng tăng cao. Có “cầu” ắt có “cung”, nhiều cửa hàng, nhà hàng ẩm thực nhanh chóng được mở ra để phục vụ du khách trẩy hội. Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ thì ngay chính tại những cơ sở này sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh, thậm chí gây ngộ độc thực phẩm.
Tại nhiều điểm tham quan du lịch, lễ hội của các địa phương, nhất là đoạn đường từ bãi gửi xe đến khu trung tâm thường có rất nhiều nhà hàng ăn uống ở hai bên đường. Trong đó, các món ẩm thực được trưng bày, mời chào nhiệt tình nhưng không được che đậy và bảo quản cẩn thận…
Điều này khó tránh khỏi những vi khuẩn có hại, bụi trong không khí xâm nhập vào thức ăn. Bên cạnh đó, vì lợi nhuận mà nhiều nhà hàng ăn uống sẵn sàng sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới để bán cho thực khách. Ngay cả những thực phẩm đã bốc mùi hôi nồng nặc hoặc hết hạn sử dụng cũng được một số chủ nhà hàng dùng hóa chất để khử mùi trước khi chế biến.
Bên cạnh đó, tại một số vùng nông thôn, vẫn còn tình trạng sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cho các loại rau, hoa quả để tăng sản lượng nông sản. Trong chăn nuôi, để gia súc, gia cầm nhanh được xuất chuồng, tiêu tốn ít thức ăn thì nhiều loại thuốc, cám tăng trọng nhanh cũng được một số người dân sử dụng quá liều lượng. Trong khi đó, các quy định và hướng dẫn sử dụng các loại thuốc này đối với cây trồng, vật nuôi cũng không được tuân thủ nghiêm ngặt…
Còn ở ngoài chợ, muốn những trái cây tươi lâu, không bị thối, ủng thì có những người bán hàng không ngại dùng nhiều loại hóa chất để bảo quản… Trong khi đó, hằng ngày người tiêu dùng vẫn phải sử dụng các loại thực phẩm này mà không có nhiều sự lựa chọn nào khác.
Theo các chuyên gia y tế, thực phẩm không an toàn là những thực phẩm bị nhiễm khuẩn, hết hạn sử dụng và nhiễm chất độc hại hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thực phẩm không an toàn là do nhiễm khuẩn và ô nhiễm môi trường; quá trình sản xuất, lưu trữ và vận chuyển thực phẩm không đúng cách; sự thay đổi trong môi trường và thời tiết; giả mạo và gian lận; khả năng kiểm soát yếu kém…
Người sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn, cơ thể thường xuất hiện các triệu chứng ngứa, phát ban, khó thở, và sưng môi, sưng mắt…
Để ngăn chặn có hiệu quả thực phẩm không an toàn, trước hết là ý thức tuân thủ của các chủ cửa hàng và từ nơi nuôi trồng, sản xuất... Bên cạnh đó, chúng ta rất cần tinh thần làm việc trách nhiệm, công minh của các đoàn kiểm tra, giám sát.
Các cơ quan có thẩm quyền như:Bộ Y tế, Bộ Công thương hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp sản xuất, lưu trữ và xử lý thực phẩm cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về vệ sinh an toàn. Công tác kiểm tra, giám sát thực phẩm cần được thực hiện đúng quy định trong chuỗi cung ứng từ nông trại đến bàn ăn. Việc giáo dục và tạo nhận thức về an toàn thực phẩm trong cộng đồng và giữa những người tiêu dùng cần được tăng cường.
Chú trọng nghiên cứu, áp dụng phương pháp sản xuất thực phẩm bền vững để giảm ô nhiễm môi trường; đồng thời, phát triển công nghệ giúp cải thiện quá trình sản xuất và lưu trữ thực phẩm an toàn. Sớm đồng bộ hóa hệ thống kiểm tra thực phẩm tại các địa phương để kịp thời phát hiện, loại bỏ các thực phẩm kém chất lượng.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại những cơ sở uy tín, bảo đảm chất lượng. Kiểm tra và tìm hiểu kỹ các thông tin trên bao bì, nhãn mác; đồng thời, nói “không” với những sản phẩm có nhãn mác xuất xứ không rõ ràng.
Ý kiến ()