Ngăn chặn tham nhũng trước hết cần tập trung vào các ngành, các lĩnh vực nhạy cảm
LSO-Đó là chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, diễn ra sáng 27/6/2019.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình, nguyên nhân thực trạng một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều ngành, nhiều cấp vì động cơ vụ lợi gây phiền hà, sách nhiễu, làm bức xúc, xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp.
Để chấn chỉnh, khắc phục thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương thực hiện ngay những giải pháp như: tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường thanh, kiểm tra công vụ, xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm…
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, nêu kết quả thực hiện, tồn tại hạn chế cũng như các giải pháp tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Sau hội nghị, các cấp, ngành, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể triển khai Chỉ thị 10 đồng bộ, hiệu quả, thực chất; người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu trong thực hiện chỉ thị.
Đồng chí cũng lưu ý, việc ngăn chặn tình trạng tham nhũng, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trước hết cần tập trung vào các ngành, các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước; xây dựng Chính phủ điện tử từ trung ương đến địa phương; đưa ra lộ trình cụ thể để triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 trở lên; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác này…
Ý kiến ()