Ngăn chặn 'tham nhũng chính sách' trong quá trình xây dựng luật
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, “tham nhũng chính sách” là việc cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định.
Sáng 26/3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Các đại biểu khẳng định Quốc hội khóa XIV với tư duy sáng tạo, sự đổi mới mạnh mẽ, đã thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, công tác lập pháp được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh
Nhấn mạnh một trong những hoạt động quan trọng của Quốc hội là lĩnh vực lập pháp, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chỉ rõ Quốc hội khóa XIV đã tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật, bao gồm các luật sửa đổi, bổ sung, luật mới; 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết khác nhằm hoàn thiện và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu khẳng định các đạo luật đã thể chế hóa kịp thời đường lối đổi mới, quan điểm chính sách của Đảng và Hiến pháp năm 2013, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình lập pháp, đồng thời giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc mà thực tiễn cuộc sống đặt ra như tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, chính quyền đô thị, nợ xấu…
Các đạo luật đã tiếp tục hoàn thiện các vấn đề về đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp, hình sự, quyền về dân sự và chính trị, các quyền tự do dân chủ khác của công dân. Những quy định này thể hiện trong các đạo luật như Bộ luật Hình sự; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đặc xá; Luật Phòng, chống tham nhũng…
“Những quy định pháp lý này không chỉ tương thích với luật pháp quốc tế, mà còn phù hợp với thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta, cũng như điều kiện thực tiễn của đất nước ta. Những thể chế pháp lý đó là một kênh quan trọng trong việc trả lời và chứng minh cho cộng đồng quốc tế rằng: Việt Nam đã và đang giải quyết tốt vấn đề dân chủ, nhân quyền. Tại Việt Nam, quyền con người, quyền công dân luôn được bảo vệ và đảm bảo thực hiện,” đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong nhiệm kỳ qua là nỗ lực lớn của Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ – chủ thể quan trọng và thường xuyên trong trình dự án luật trước Quốc hội.
Nhu cầu ban hành chính sách pháp luật luôn xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đời sống xã hội. Là cơ quan hành pháp, Chính phủ là chủ thể đầu tiên phát hiện những bất cập của chính sách pháp luật, phát hiện những yêu cầu bức bách của xã hội cần phải giải quyết, từ đó phản ánh tới Quốc hội thông qua việc trình các dự án luật để Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
Trong quá trình này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã làm tất cả để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của quá trình quản lý, điều hành.
Đề cao chất lượng khâu phân tích chính sách
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) khẳng định nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật chất lượng, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và không có biểu hiện tham nhũng chính sách.
“Tuy nhiên, nếu rà soát thật kỹ tất cả các quy định và đặt trong mối quan hệ với việc tổ chức thực hiện, có thể nhận thấy có những quy định nếu không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách,” đại biểu nhận định.
Theo đại biểu, “tham nhũng chính sách” là việc cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Điều này đặc biệt nguy hiểm, vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.
Dẫn chứng về các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chỉ rõ, trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả. Hiện nay, vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong 72 đạo luật được Quốc hội khóa XIV thông qua, có đến 1/4 số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì các loại quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Đại biểu cho rằng một vấn đề khác có thể dẫn đến “tham nhũng chính sách” là các quy định liên quan đến quản lý đất đai, bao gồm: đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, các quy định liên quan đến ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính về quy trình, thủ tục, về phân cấp, phân quyền trong quyết định các dự án cũng là những “mảnh đất” có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách.
Từ thực tế này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị quan tâm, đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Bên cạnh đó, đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Quốc hội cần nâng cao hoạt động thẩm tra; hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện.
Ngoài ra, cần đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình “cài cắm” vào quy định của pháp luật, những quy định để trục lợi cá nhân. Đặc biệt, sớm hoàn tất quá trình Chính phủ số, làm minh bạch hóa tất cả các quy trình để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí phi chính thức.
Giữ liêm chính trong xây dựng luật
Đặt vấn đề về liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) phân tích đây là nguyên tắc tối cần thiết vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội, thúc đẩy quan hệ xã hội phát triển ngày càng lành mạnh và tốt đẹp hơn.
Đại biểu cho rằng nếu thiếu và không có sự liêm chính, đặc biệt là không có sự liêm chính trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều khuyết tật. Đó là mâu thuẫn chồng chéo với các văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa, các kỳ họp đã mất nhiều thời gian để nghiên cứu, ban hành.
Khuyết tật thứ hai là văn bản pháp luật sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình, trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích nhân dân, hoặc là công cụ để “tiếm quyền” của bộ, ngành khác, trái với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Khuyết tật thứ ba là vòng đời của văn bản pháp luật đó rất ngắn, kéo theo là Chính phủ, Quốc hội tốn thời gian, kinh phí để ban hành văn bản thay thế.
Đại biểu khẳng định trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đa số hoạt động soạn thảo, thẩm tra và thảo luận, xây dựng luật là có liêm chính. Chính sự liêm chính đó mà Quốc hội đã thảo luận và thông qua rất nhiều văn bản pháp luật không tồn tại những khuyết tật nêu trên.
Tuy nhiên, đại biểu nhìn nhận, trong hoạt động soạn thảo, thẩm tra, thảo luận, xây dựng luật vẫn còn sự thiếu liêm chính, dù rất ít. Để khắc phục bất cập này, đại biểu đề nghị, trước hết, Chính phủ và đặc biệt cơ quan soạn thảo có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật. Cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội luôn nghĩ tới từ “liêm chính” trong việc thẩm tra và phát biểu đối với mỗi dự án luật./.
Ý kiến ()