Ngăn chặn tai nạn từ bom, mìn, vật liệu nổ
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những năm gần đây, trên cả nước vẫn xảy ra nhiều vụ nổ từ bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại, gây nên những hậu quả thương tâm.
Người dân Hà Nội vẫn chưa quên vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Ðông vào năm 2016, làm năm người chết và hàng chục người bị thương, 36 căn hộ hư hỏng nặng. Vật liệu gây ra vụ nổ được xác định là dạng bom, do một người dân mua về nhà, rồi dùng đèn khò phá để lấy sắt vụn bán.
Mới đây nhất, sáng qua, 3-1, tại nhà ông Nguyễn Văn Tạo, sinh năm 1973, ở thôn Quan Ðộ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đã xảy ra vụ nổ lớn, làm hai trẻ em chết, tám người bị thương, nhiều nhà dân bị sập, hư hỏng nặng. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định là do người dân thu mua vật liệu nổ về để chế xuất.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những vụ nổ do bom, mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh chủ yếu do người dân chưa nhận thức được về tác hại, mức độ nguy hiểm của vật liệu nổ. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong việc thu mua, sử dụng trái phép bom, mìn, vật liệu nổ chưa được tiến hành đồng bộ và kịp thời; còn tình trạng buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở.
Mặc dù những năm qua, các cơ quan chuyên trách đã vận động người dân giao nộp và tiến hành kiểm tra thu gom vũ khí, vật liệu nổ, nhưng số lượng tồn tại vẫn rất lớn và tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ nổ.
Trước những mối nguy hiểm từ bom, mìn, vật liệu nổ đang đe dọa cuộc sống cộng đồng, thời gian tới, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, địa phương cùng các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả từ bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh; tiếp tục chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai các giải pháp, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm. Trong đó, cần đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, nhất là các địa bàn trọng điểm còn nhiều bom, mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh. Phối hợp các đơn vị chức năng của quân đội, công an và cơ quan chức năng ở các địa phương trọng điểm, tổ chức các cuộc hội thảo để đánh giá thực trạng, từ đó đưa ra giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả.
Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan, nhất là UBND cấp xã trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát tình trạng thu gom, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Cần có những chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp mua bán, sử dụng trái phép, cũng như có hình thức xử lý nghiêm đối với các cấp cơ sở buông lỏng quản lý để người dân vi phạm các quy định của pháp luật. Ðồng thời, có hình thức khen thưởng kịp thời các cá nhân, tổ chức phát hiện, trình báo các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm nói trên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()