Ngăn chặn tai nạn đường sắt vẫn chưa triệt để
Theo Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (ÐSVN), trên tuyến đường sắt bắc - nam hiện có khoảng 5.700 nút giao cắt đồng mức; trong đó, chỉ có 1.515 đường giao cắt hợp pháp do ÐSVN quản lý (hơn 500 nút giao cắt đang sử dụng tín hiệu đèn cảnh báo và chưa có cần chắn tự động). Còn lại 4.200 đường ngang dân sinh tự mở tồn tại trên tuyến, trong khi ý thức người dân còn hạn chế, cho nên tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt vẫn tiềm ẩn hết sức phức tạp.
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (Bộ Công an), số vụ TNGT đường sắt so với đường bộ tuy không nhiều, nhưng thường để lại hậu quả rất thảm khốc, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hầu hết các vụ tai nạn đều xảy ra tại đường ngang dân sinh. Số liệu thống kê của ngành đường sắt cho thấy, tính đến hết tháng 7 vừa qua, ÐSVN đã xóa bỏ được gần 400 vị trí lối đi tự mở. Ðối với các lối đi tự mở không thể thu hẹp, các đơn vị của ÐSVN đã trực tiếp làm việc với Ban An toàn giao thông (ATGT) các địa phương để cảnh giới.
Khoảng 13 giờ 50 phút ngày 4-10, trên tuyến đường sắt bắc – nam, đoạn qua địa bàn xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) đã xảy ra một vụ TNGT giữa xe tải và tàu hỏa đang chạy hướng TP Hồ Chí Minh – Hà Nội. Cú va chạm mạnh đã khiến xe tải BKS 79C-00735 bị hất văng hơn 5 m, làm ba người bị thương nặng, trong đó hai người mắc kẹt trong ca-bin, một người văng ra ngoài, nằm dưới gầm xe tải. Chiếc xe tải bẹp dúm, hư hỏng nặng. Hàng chục người dân cùng lực lượng chức năng phải phá cửa mới kéo được hai người mắc kẹt trong ca-bin ra ngoài và lật xe tải nằm nghiêng để giải cứu người còn lại đang bị đè dưới gầm xe. Tối cùng ngày, đã có một nạn nhân chết, hai người còn lại chuyển đi bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp tục cấp cứu. Theo một số người dân, tại khu vực này thường xảy ra TNGT đường sắt nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã lắp đặt biển cảnh báo, nhưng do vẫn chưa được đầu tư gác chắn nên hiệu quả ngăn chặn tai nạn còn thấp.
Có thể thấy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đường sắt gia tăng trong thời gian qua, chính là do người tham gia giao thông không tuân thủ pháp luật. Người điều khiển phương tiện giao thông qua điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ đã vi phạm, chưa nhận thức đầy đủ về phạm vi hành lang an toàn đường sắt. Hệ thống đường gom, hàng rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt thời gian qua cũng chưa được đầu tư xây dựng kịp thời, trong khi đường sắt chạy qua nhiều khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp. Thậm chí, nhiều vị trí đường ngang chưa có gờ giảm tốc, vạch dừng trên phần đường bộ; tầm nhìn tại các điểm giao cắt đường sắt – đường bộ bị hạn chế, các địa phương chưa vào cuộc tích cực trong phối hợp thực hiện các biện pháp hạn chế TNGT đường sắt,…
Mặc dù ÐSVN đã rà soát, phân loại lối đi dân sinh, đồng thời triển khai nhiều biện pháp cụ thể như rào kín hoặc xóa bỏ lối đi dân sinh, cắm biển cảnh báo, cảnh giới tại các đường ngang, nhưng để thay đổi nhận thức về việc bảo đảm ATGT không chỉ của một ngành, một địa phương mà của toàn xã hội. Hơn 4.000 lối đi dân sinh tự mở là hệ quả của sự buông lỏng từ vấn đề quy hoạch, quản lý, có trách nhiệm của chính quyền các cấp có tuyến đường sắt đi qua. Một số địa phương đang ở tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, cấp tỉnh quyết liệt chỉ đạo nhưng cấp huyện, xã không thực hiện. Có những vị trí thường xuyên xảy ra TNGT đường sắt, nhưng địa phương không hề có giải pháp nào quyết liệt. Nhiều đường ngang dân sinh dân tự mở trong thời gian dài, nhưng chính quyền cơ sở vẫn chưa tiến hành giải tỏa, còn lực lượng chức năng cũng đành “bó tay” do không đủ thẩm quyền, chức trách xử lý. Vì thế, các địa phương cần có quy định trách nhiệm cụ thể đối với UBND cấp xã về quản lý đường ngang và kiên quyết không để phát sinh đường ngang dân sinh mới, thậm chí có thể truy trách nhiệm người đứng đầu.
Chủ tịch Hội đồng thành viên ÐSVN Vũ Anh Minh cho biết, giai đoạn 2017-2020, ngành đường sắt cần khoảng 1.700 tỷ đồng để thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, làm khoảng 400 km đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động. Tổng công ty ÐSVN đã báo cáo Chính phủ đề xuất xin nguồn vốn bảo đảm ATGT, làm các cần chắn tự động để từ ý thức tự giác, trở thành cưỡng bức đối với người tham gia giao thông. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất xin nguồn vốn trung hạn trái phiếu Chính phủ cho ngành đường sắt 7.000 tỷ đồng để tập trung nâng cao kết cấu chạy tàu và các đường ngang; trong đó, khai thác đồng đều tải trọng toàn tuyến; kéo dài một số đường ga. Hiện nay, đường ga dài nhất đạt 400 m, chỉ có thể tránh được đoàn tàu tối đa 19 toa, ảnh hưởng năng lực chạy tàu, cần phải kéo dài thành 500 m nhằm nâng năng lực thông qua từ 16 lên 25 đôi tàu/ngày đêm, mở thêm các ga mới để tránh nhau; xử lý các tuyến đường gom, rào chắn, ba-ri-e để bảo đảm khai thác an toàn.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, ngành đường sắt cần xác định thứ tự ưu tiên việc xóa các đường ngang “điểm đen” cấp bách vì không thể có vài chục nghìn tỷ đồng để triển khai được ngay. Trước mắt, đường gom dọc hành lang an toàn giao thông đường sắt cần đầu tư làm khoảng 400 km, nên chia thành hai giai đoạn; trong đó, trước năm 2020 làm 150 km (khoảng 700 tỷ đồng), các năm sau làm phần còn lại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()