Ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử trong trường học
Đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp, thậm chí suýt tử vong sau khi hút thuốc lá điện tử. Do đó, việc ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử trong môi trường giáo dục là việc làm cần thiết để bảo vệ các em học sinh.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá mong muốn hơn 40.000 trường học trên cả nước triển khai ngay nhiệm vụ phòng, chống tác hại của thuốc lá khi năm học mới bắt đầu để bảo vệ hơn 23 triệu học sinh không bị ảnh hưởng bởi thuốc lá.
Ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ là một trong những mục tiêu ưu tiên trong các chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá, cũng là nội dung quan trọng mà Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố nhằm xây dựng trường học không khói thuốc lá thời gian qua.
Một học sinh THPT hút thuốc lá điện tử tại quán nước. Ảnh: VIỆT TRUNG |
PGS, TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ thêm, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, sự tham gia chủ động, tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các tỉnh, thành phố, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong năm 2022, Bộ GD-ĐT đã ban hành hai tài liệu: Hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông và Hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng, hoạt động giáo dục cấp THCS. Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng về tác hại của những sản phẩm thuốc lá mới trong các cơ sở giáo dục trên toàn quốc; tổ chức tập huấn công tác truyền thông phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông, cán bộ, giáo viên tại các tỉnh, thành phố.
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá ở giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tuy vậy, một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ. Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, thuốc lá điện tử được thiết kế với kiểu dáng đa dạng và nhiều hương vị, chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh tăng nhanh.
Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%. Có thể thấy, chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng đáng kể và đang gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của các em học sinh.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê mong muốn công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử được phổ biến đến từng học sinh và mỗi giáo viên, cán bộ, nhân viên làm việc tại các trường học, nhằm góp phần xây dựng môi trường học đường không khói thuốc, bảo vệ sức khỏe thế hệ tương lai của đất nước.
Trước những mối nguy tiềm ẩn của thuốc lá điện tử, các bác sĩ đã đưa ra khuyến cáo với các bậc phụ huynh, nếu thấy con thường xuyên trong tình trạng lơ mơ, chậm chạp, mất tập trung, nói lảm nhảm… cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm. Mặt khác, gia đình và nhà trường cần tăng cường truyền thông, giáo dục cho trẻ vị thành niên để các em hiểu rõ những tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cùng các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ mắc phải.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngan-chan-tac-hai-cua-thuoc-la-dien-tu-trong-truong-hoc-745324
Ý kiến ()