Ngăn chặn tác hại của lạm dụng rượu bia
Bắt đầu từ 1-11, Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu sẽ có hiệu lực thi hành, theo đó sẽ cấm: Bán rượu cho người dưới 18 tuổi; bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng in-tơ-nét, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các hành vi sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; trưng bày, mua bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem nhãn đúng quy định, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đều bị coi là vi phạm pháp luật.
Được biết, không phải đến thời điểm này nước ta mới có quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, mà trước đó trong Nghị định 94/2012/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định 105 đều quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, trong thực tế giữa quy định và thực hiện có khoảng cách, vì các cơ quan chức năng không quản lý được người bán. Người trẻ ở nước ta dễ dàng mua rượu ở bất cứ đâu. Nước ta đã có nhiều quy định phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia, trong đó, những quy định đã triển khai thực hiện như: Cấm công chức, viên chức uống rượu bia trong giờ hành chính, trong bữa trưa… đang được nhiều nơi thực hiện khá tốt. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và trong thực tế cho thấy, khâu kém nhất hiện nay chính là công tác quản lý người bán rượu, thứ hai là kém trong quản lý chất lượng rượu không tem nhãn, không rõ nguồn gốc.
Vì vậy, để thực thi có hiệu quả các quy định của pháp luật về bán, sử dụng rượu, góp phần bảo vệ sức khỏe, lối sống cho thanh niên thì cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm cao nhất, đó là những bộ, ngành liên quan trực tiếp như: Bộ Công thương, Bộ Y tế, các cơ quan quản lý thị trường, quản lý phân phối, bán lẻ, chính quyền địa phương. Khi các quy định pháp luật có hiệu lực, cần được thực hiện đồng bộ trên toàn xã hội, không phải là những quyết tâm, quy định chỉ tồn tại trên giấy. Việc triển khai Nghị định 105 sẽ gặp nhiều khó khăn bởi kỷ cương, pháp luật chưa được tuân thủ và quán triệt nghiêm túc, nhất là ở các cơ quan chức năng. Khó khăn trong thực thi quy định này là do tình trạng đánh trống bỏ dùi, có chỗ làm có chỗ không làm, hoặc làm chiếu lệ, qua loa, thậm chí cố tình làm ngơ cho việc kinh doanh rượu không đúng quy định. Cần phải giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, quy trách nhiệm rõ ràng để việc triển khai hiệu quả và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những sai phạm.
Việc xử lý những vi phạm của người bán rượu và hành vi thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng sẽ là những yếu tố quan trọng để các chính sách đi vào thực tế cuộc sống. Ở một số quốc gia trên thế giới, khi đã cấm kinh doanh rượu, bia đối với đối tượng, khu vực nào thì luôn được tuân thủ nghiêm túc, nhất là đối với người bán. Chỉ cần bị phát hiện, cơ quan chức năng sẽ xử phạt rất nặng, thậm chí bắt đóng cửa để ngăn chặn triệt để sai phạm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()