Ngăn chặn sản phẩm sản xuất nước ngoài gắn mác “Made in Viet Nam”
(LSO) – Nhiều năm trở lại đây, hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Nắm bắt tâm lý đó, nhiều đối tượng, cơ sở sản xuất tìm cách giả nhãn mác “Made in Viet Nam” để đánh lừa người tiêu dùng nhằm trục lợi. Hiện nay, ngành chức năng của tỉnh đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng sản phẩm xuất xứ nước ngoài gắn mác “Made in Viet Nam” nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Thời gian qua, lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện và bắt giữ nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài nhưng giả mạo thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam; dán tem tại nước ngoài sau đó thông qua các hình thức khác nhau để thẩm lậu vào trong nước.
Gần đây nhất, vào ngày 11/6, tại khu vực thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 tiến hành kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 20C-136.09. Qua kiểm tra hàng hóa vận chuyển trong xe ô tô, đội phát hiện 600 cái áo phông nam cộc tay do Trung Quốc sản xuất có gắn mác “Made in Viet Nam”.
Cán bộ Đội QLTT số 2 kiểm tra hàng hóa thu giữ
Hay như vào ngày 6/6, Đội QLTT số 9 đã phối với Đồn Công an Tân Thanh, tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh đồ điện gia dụng tại Trung tâm thương mại Việt Trung, Tân Thanh. Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bày bán 15 chiếc chảo điện đa năng, trên bao bì sản phẩm ghi bằng chữ Việt Nam, nhãn hiệu Kyoto, gắn nhãn mác “Made in Viet Nam” tuy nhiên cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Theo thống kê của Cục QLTT Lạng Sơn, trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng đã kiểm tra, xử lý 83 vụ hàng giả các loại, tịch thu hàng hóa trị giá khoảng 2,1 tỷ đồng. Số lượng hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam nhưng gắn mác “Made in Viet Nam” gồm: nồi lẩu điện 504 chiếc; vỏ bao bì bột giặt nhãn hiệu Omo, loại 400g là 18.700 chiếc; bao bì mì chính Ajinomoto các loại 57.800 chiếc; tất ni lon giả nhãn hiệu Nike 360 đôi; tất cổ ngắn nhãn hiệu Nike 200 đôi…
Theo khảo sát của chúng tôi, tại một số chợ khu vực thành phố Lạng Sơn và khu vực cửa khẩu, các mặt hàng chủ yếu bị giả mạo xuất xứ Việt Nam là mặt hàng tiêu dùng, thời trang như: đồ điện, đồ gia dụng, may mặc.
Bà P.T.L – hộ kinh doanh tại chợ Tân Thanh, huyện Văn Lãng cho biết: “Do nhu cầu của khách ngày càng ưa chuộng hàng Việt Nam nên tôi cũng nhập theo thị hiếu của người tiêu dùng. Hàng tôi nhập về nhiều loại lắm, quần áo thì của các hãng như H&M, Zara, Nike… Chủ yếu nhập từ Trung Quốc về vì giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng. Hàng gửi về đều có sẵn mác “Made in Viet Nam”.
Các hành vi, hiện tượng này gây ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam, quyền lợi của người tiêu dùng và nguy cơ một số hàng hóa Việt Nam có thương hiệu có thể bị nước ngoài xem xét khi nhập khẩu vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu.
Cán bộ Đội QLTT số 2 kiểm tra mặt hàng áo phông nam do Trung Quốc sản xuất có gắn mác “Made in Viet Nam”
Đáng e ngại hơn, Chính phủ đang đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam nhưng có gắn mác “Made in Viet Nam” sẽ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về chất lượng các sản phẩm do Việt Nam sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả của cuộc vận động và đến nền sản xuất trong nước.
Để đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo nguồn gốc xuất xứ, gắn mác “Made in Viet Nam”, Cục QLTT tỉnh đã và đang tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn, không để phát sinh các cơ sở sản xuất, lắp ráp hàng giả trên địa bàn. Đơn vị cũng tăng cường xây dựng cơ sở báo tin, phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra các tụ điểm tập kết hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng hóa dọc các tuyến quốc lộ nối từ biên giới vào nội địa.
Theo ông Đặng Văn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi thường xuyên phân công các đội quản lý theo địa bàn, tổ chức giám sát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh trong nội địa, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả mạo “Made in Viet Nam”, hàng không nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chúng tôi cũng phối hợp các doanh nghiệp sản xuất trong nước, các tổ chức giám định và các cơ quan chức năng liên quan để thực hiện tập huấn kiến thức phân biệt hàng thật – hàng giả, việc lấy mẫu, trưng cầu giám định tang vật có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định.
Thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các đường dây, tụ điểm, các đối tượng đầu nậu, cầm đầu các đường dây buôn lậu, chủ các kho tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, các cơ sở in lậu nhãn hàng hóa, sản xuất, gia công hàng hóa bất hợp pháp. Song song với đó là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích đưa hàng Việt về nông thôn; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng trong việc lựa chọn hàng hóa.
TRANG VÂN
Ý kiến ()