Ngăn chặn rủi ro, bảo đảm lợi ích người gửi tiền
Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 được triển khai thực hiện với nhiều giải pháp như mua bán, sáp nhập ngân hàng; mua bán nợ xấu, thành lập công ty quản lý tài sản;... Trong đó, giải pháp mua lại ngân hàng với giá 0 đồng được đánh giá là giải pháp đặc biệt, chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được thực hiện trong hoạt động ngân hàng ở Việt Nam.
Mua lại ngân hàng giá 0 đồng
Việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng căn cứ vào Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phá sản và Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Bên cạnh đó, còn có Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20-9-2013. Theo Quyết định này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định việc chỉ định tổ chức tín dụng tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc trực tiếp tham gia góp vốn, mua cổ phần trong trường hợp tổ chức tín dụng khác không đáp ứng được các điều kiện đối với tổ chức tín dụng được chỉ định; cũng như xem xét, quyết định hỗ trợ tổ chức tín dụng được chỉ định trong thời gian tham gia góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, quyết định này còn quy định về quyền hạn, trách nhiệm của NHNN và các đối tượng tham gia trong việc góp vốn, mua cổ phần, quản trị điều hành.
Tính đến nay, có ba ngân hàng đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng, đó là: Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng (VNCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí Toàn Cầu (GPBank). Sau khi được NHNN mua lại, VNCB được giao cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; OceanBank và GPBank được giao cho Ngân hàng Công thương Việt Nam quản trị, điều hành. Ngân hàng được chỉ định quản trị, điều hành sẽ tiến hành các biện pháp phục hồi lại các ngân hàng bị mua lại này thông qua việc: thay đổi nhân sự chủ chốt, thay đổi mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp,…
Cả ba ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng đều là các ngân hàng hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, nợ xấu ở mức cao, dẫn đến bị âm vốn chủ sở hữu và các cổ đông không bù đắp được khoản vốn âm này trước khi bị NHNN mua lại 100% vốn với giá 0 đồng. Việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng của NHNN nhằm bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, để họ yên tâm gửi tiền, không rút tiền ồ ạt gây đổ vỡ ngân hàng và lan truyền toàn hệ thống, bảo đảm an ninh tiền tệ, ngăn chặn rủi ro cho hệ thống ngân hàng có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của toàn xã hội, đồng thời, giảm bớt đi sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng… Mặc dù thời gian thực hiện việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng diễn ra không lâu, việc đánh giá kết quả của giải pháp này có thể chưa đầy đủ, nhưng có thể nhận thấy hầu hết các mục tiêu của giải pháp này đều thực hiện được.
Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
Theo nghiên cứu của cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam: Quy mô nguồn vốn toàn hệ thống tính đến cuối quý II năm 2015 tăng trưởng 1,9% so với đầu năm 2015. Trong đó, vốn huy động tăng 4%, khiến tỷ trọng của vốn huy động trong tổng nguồn vốn tiếp tục tăng lên mức 81,9%. Điều đó cho thấy hệ thống ngân hàng được mở rộng quy mô và duy trì hoạt động một cách ổn định, thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, mặc dù mặt bằng lãi suất trong nửa đầu năm 2015 tiếp tục giảm, nhưng hoạt động huy động tiền gửi của các ngân hàng vẫn đạt mức tăng trưởng nhất định. Đến thời điểm cuối quý II năm 2015, tiền gửi của cá nhân và tổ chức kinh tế bằng VNĐ tăng 9,8% so đầu năm, cho thấy gửi tiền vào ngân hàng vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn hơn đối với người dân.
Ngoài ra, với giải pháp NHNN mua lại ngân hàng với giá 0 đồng, toàn bộ quyền lợi của người gửi tiền ở cả ba ngân hàng tiếp tục được bảo đảm. Với các khoản tiền gửi chưa đáo hạn, người gửi tiền tiếp tục được hưởng toàn bộ quyền lợi và chế độ của ngân hàng trước khi bị mua lại. Còn những khoản tiền gửi đáo hạn thì được nhận cả tiền gốc và lãi đúng với mức lãi suất khi gửi. Sau đó, việc người gửi tiền có gia hạn khoản tiền gửi hay không, phụ thuộc vào chính quyết định của người gửi tiền.
Cũng theo nghiên cứu của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, số vốn huy động từ khu vực dân cư ở cả ba ngân hàng trên đều có xu hướng giảm trong giai đoạn từ quý III năm 2013 đến quý I năm 2015. Điều đó được giải thích do tình hình kinh doanh của các ngân hàng này thua lỗ, niềm tin của người gửi tiền vào các ngân hàng này giảm sút, dẫn đến việc người gửi tiền rút tiền gửi của họ tại các ngân hàng này. Tuy nhiên, sau khi được NHNN mua lại, người gửi tiền đã không rút tiền khỏi ngân hàng, lượng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng này đã không còn giảm và duy trì trạng thái ổn định trở lại. Kết quả đó có được là do quyền lợi của người gửi tiền đã được bảo đảm, dẫn đến niềm tin của họ đối với ngân hàng cũng được củng cố.
Như vậy có thể thấy, giải pháp mua lại ngân hàng với giá 0 đồng là một giải pháp tái cấu trúc đặc biệt, phù hợp với trình độ phát triển và điều kiện cụ thể của thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam. Giải pháp này bảo đảm an ninh tiền tệ, ngăn chặn rủi ro cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm lợi ích cho toàn xã hội, bên cạnh đó còn giúp giảm bớt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền ở các ngân hàng.
Trong giải quyết tái cơ cấu ngân hàng hiện nay có nhiều bước, chứ không phải riêng một bước, thí dụ như: cổ phần, hùn vốn, sáp nhập, mua lại và cuối cùng mới đến phá sản. Như vậy giải pháp mua lại gần như là bước cuối cùng. Ngân hàng cũng như doanh nghiệp, nếu không thể “cứu chữa” được nữa thì buộc phải phá sản. Nhưng ở đây, ngân hàng chưa đến mức phá sản do còn có cơ hội “cứu chữa” được để bảo vệ quyền lợi người dân, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp. Nhà nước đã đứng ra vực lại ngân hàng đó bằng cách mua lại. Nhưng do ngân hàng không còn tài sản, vốn liếng gì thì Nhà nước trả với giá bằng 0 đồng, sau đó bằng kinh nghiệm và uy tín của mình để tác động vào làm cho ngân hàng phát triển, sinh lời. Hay nói cách khác, Nhà nước đã dùng biện pháp mua lại để giữ lại ngân hàng đó. Và tất nhiên sau này, giả sử nếu mua lại rồi nhưng ngân hàng đó vẫn không thể khôi phục được thì lúc đó có thể tính đến giải pháp cuối cùng là cho phá sản.
Nguyên Thống đốc NHNN CAO SỸ KIÊM
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()