Ngăn chặn quyết liệt hơn nữa ma túy đá
Vướng vào tệ nạn ma túy đá, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên, đã và đang trở thành “cơn lốc” tàn phá thể chất, tinh thần giới trẻ và gây ra những vụ án mạng làm xã hội bàng hoàng.
Thời gian gần đây, lực lượng công an trên cả nước liên tục bắt giữ những vụ tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy đá. Vụ nhỏ có thể vài gam, vụ lớn lên tới hàng chục ki-lô-gam. Tần suất bắt giữ ma túy đá ngày càng tăng. Ma túy đá thường được vận chuyển qua các khu vực biên giới sau đó tuồn về các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định… Nguồn cung cấp dồi dào như vậy bởi lẽ nhu cầu của người dùng đang tăng lên mạnh mẽ. Vấn nạn “đập đá” đang trở nên nóng trong giới trẻ, nhiều gia đình không hề hay biết con cái của mình đang bị vướng vào thứ ma túy dạng đá.
Mới đây, Khoa Điều trị Nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận người bệnh B.Đ.D, 17 tuổi, dân tộc Mường (ở Kim Bôi, Hòa Bình). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có điều kiện, D được bố mẹ hết sức nuông chiều, luôn đáp ứng tất cả các yêu cầu vật chất của cậu. Tuy nhiên, D lại ham chơi hơn ham học, thường xuyên tụ tập, đàn đúm, lêu lổng. Cho đến khi nhận thấy con trai ít ăn, ít ngủ, cơ thể gầy rộc, lại hay cáu bẳn, gắt gỏng, dễ bị kích động và thỉnh thoảng nói năng không dừng, bố mẹ D mới quyết định đưa cậu đi bệnh viện. Chỉ qua vẻ bề ngoài, các bác sĩ đã có thể phát hiện ra D là một con nghiện ma túy đá. Sau khi được điều trị cắt cơn, tiêm thuốc giải độc…, D dần dần tỉnh lại. Hôm ra viện, cậu còn tâm sự với các bác sĩ rằng, đã có lúc, trong đầu cậu xuất hiện những hoang tưởng, đi đâu cũng nhìn thấy người ngoài hành tinh, luôn nghĩ mình là một loài chim hóa thân thành con người… Các bác sĩ tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho biết, số người bệnh đến đây điều trị bệnh lý về tâm thần có liên quan ma túy ngày càng nhiều. Có trường hợp diễn biến bệnh quá nặng, lúc nào cũng chỉ muốn tìm đến cái chết. Trường hợp của K.X.B (25 tuổi, ở Hà Nội) sử dụng ma túy đá đến mức nhập viện trong tình trạng xuất hiện các triệu chứng như ảo giác, mệt mỏi, không ăn uống, ảo thanh, luôn hốt hoảng lo sợ có người thủ tiêu mình… Được biết, lần đầu B sử dụng “hàng đá” là do bạn bè rủ rê. Cứ thế, sau đó khoảng bốn đến năm ngày, cả nhóm lại tụ tập chơi “hàng đá” một lần. Tương tự như B, thanh niên 27 tuổi tên V, ở Hà Nội cũng từng có ý định kết liễu đời mình trong một cơn “ngáo đá”. Sẵn gia đình có rủng rỉnh tiền, lại là con một, V đã trở nên hư hỏng sau những lần bù khú với bạn. V dồn hết tiền và thời gian để chơi “hàng đá”. Cho đến một ngày, trong cơn “phê pha”, V bỗng vớ ngay cuộn dây thép thít quanh cổ thành nhiều vòng để tự sát. May mắn là người nhà kịp thời phát hiện nên V thoát chết. Sau thời gian điều trị thành công, hiện các trường hợp như B và V đều đã trở lại với cuộc sống bình thường. Nhưng các bác sĩ khẳng định, khi đã có tổn thương thần kinh, các triệu chứng có thể bùng phát lại, gây ra rối loạn. Do đó, điều trị cho các người bệnh bị tâm thần do ma túy đá gây nên là quá trình hết sức phức tạp.
Trong cơn điên dại vì sử dụng ma túy đá, rất nhiều người hiền lành đã hóa thành “ác quỷ”, gây ra những vụ án nghiêm trọng. Sáng 8-7 vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ Nguyễn Văn Hồng (xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc) vì đã chém chết hai cháu bé cùng trú ở địa phương. Theo đó, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 7-7, Hồng đến nhà anh Lê Thanh Hải gần nhà chơi. Tại đây, Hồng có biểu hiện “ngáo đá”, liên tục nói lảm nhảm nhiều điều rồi dùng dao chém hai con anh Hải là Lê Minh Đăng (7 tuổi) và Lê Ngọc Chi (5 tuổi). Do vết thương quá nặng, cả Đăng và Chi đều chết trước khi được đưa đến bệnh viện. Sau khi chém hai cháu bé, Hồng định tự tử bằng dao nhưng không thành.
Cách đây vài năm, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an), đã từng đưa ra cảnh báo, trong vài năm tới, ma túy tổng hợp, đặc biệt là ma túy “đá”, sẽ thống lĩnh thị trường tiêu dùng ma túy. Đến nay, những vụ án giết người thương tâm thường xuyên xảy ra. Khi bắt được hung thủ, nguyên nhân được xác định do “ngáo đá” mới khiến xã hội giật mình, lo sợ trước mối nguy hại và hậu quả khủng khiếp mà ma túy “đá” gây ra. Cũng theo C47, để ngăn chặn hiểm họa ma túy đá, cần phải tuyên truyền tốt tác hại của “ma túy đá”. Các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ, quản lý tốt thuốc tân dược, các thuốc chứa chất gây nghiện, không để các đối tượng mua về để tự sản xuất ma túy đá. Đặc biệt, cần có sự phối hợp tốt giữa xã hội, nhà trường và gia đình để quản lý, giáo dục và định hướng con em trong gia đình. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ các sân bay, bến cảng, cửa khẩu để phát hiện kịp thời, không để ma túy xâm nhập vào Việt Nam. Phối hợp với cảnh sát các nước để đấu tranh, ngăn chặn từ xa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()