Ngăn chặn phá rừng phòng hộ ở Kỳ Anh
Thời gian qua do giá sắn lên cao, cho nên nhiều người dân vùng Thượng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đua nhau trồng sắn nguyên liệu. Tuy nhiên điều đáng nói là vì lợi ích trước mắt mà đã có không ít hộ dân ngang nhiên xẻ rừng phòng hộ để canh tác sắn.Trồng sắn, lộ ra xâm chiếm rừng Sau vài lần 'tăng bo', chúng tôi cũng đã tiếp cận được những vạt rừng được người dân làm trắng, để trồng sắn thuộc địa phận xã Kỳ Sơn (Kỳ Anh). Mặc dù là đất rừng thuộc tiểu khu 381 của Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Nam Hà Tĩnh nhưng được người dân rào chắn khá cẩn thận. Cách quốc lộ 12 khoảng nửa cây số, đi men vào đường mòn nhỏ, một lô đất rộng hàng nghìn mét vuông của rừng phòng hộ đã được người dân 'cạo trắng' và những mầm sắn đã bắt đầu bám rễ, xanh tươi. Chung quanh đó, vài ba khoảnh đất rừng khác cũng đã bị cạo trọc, để chuẩn bị trồng sắn. Qua tìm hiểu, được biết, một trong những lô đất xâm chiếm đã trồng sắn trên là...
Trồng sắn, lộ ra xâm chiếm rừng
Sau vài lần 'tăng bo', chúng tôi cũng đã tiếp cận được những vạt rừng được người dân làm trắng, để trồng sắn thuộc địa phận xã Kỳ Sơn (Kỳ Anh). Mặc dù là đất rừng thuộc tiểu khu 381 của Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Nam Hà Tĩnh nhưng được người dân rào chắn khá cẩn thận. Cách quốc lộ 12 khoảng nửa cây số, đi men vào đường mòn nhỏ, một lô đất rộng hàng nghìn mét vuông của rừng phòng hộ đã được người dân 'cạo trắng' và những mầm sắn đã bắt đầu bám rễ, xanh tươi. Chung quanh đó, vài ba khoảnh đất rừng khác cũng đã bị cạo trọc, để chuẩn bị trồng sắn. Qua tìm hiểu, được biết, một trong những lô đất xâm chiếm đã trồng sắn trên là của ông Phạm Hữu Q. ở xóm Sơn Bình (Kỳ Sơn).
Cách đó không xa, một khoảng rừng rộng gần 5 ha cũng đã được phát quang để chuẩn bị trồng sắn. Ở khoảng đất này, chúng tôi nhìn thấy nhiều cây rừng, có cả cây to người ôm không xuể đã bị người dân đốn hạ, hàng nghìn thân cây sắn sau khi thu hoạch tấp thành từng đống, phía cuối con đường có một lán trại được làm khá kiên cố. Điều đó cho thấy rằng, khu rừng phòng hộ này đã bị xâm chiếm khá lâu để làm trang trại và họ đang chuẩn bị cho một mùa canh tác mới. Người dân ở đây cho biết, nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn sau khi về hưu đã ngang nhiên vào đây phát chặt cây rừng, lập trang trại và bây giờ đã chuyển cho người con trai…
Theo thống kê của Trạm bảo vệ rừng Km 38, tại các tiểu khu 381, 394, 393A… thuộc địa bàn Kỳ Sơn có hơn 40 trường hợp đã xâm hại, 'cạo trọc' hàng chục ha rừng đầu nguồn do BQL RPH Nam Hà Tĩnh quản lý để trồng sắn. Không chỉ ở Kỳ Sơn mà ở Kỳ Thượng, Kỳ Tây (Kỳ Anh) tình trạng người dân xâm lấn rừng, đất lâm nghiệp, trồng sắn cũng diễn ra khá phức tạp. Trưởng Công an xã Kỳ Thượng Lê Đức Thọ cho biết, chỉ tính từ năm 2010 đến nay, đã có gần 50 trường hợp người dân xâm hại hàng chục ha rừng, đất rừng, trong đó 19 trường hợp xâm chiếm rừng của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kẻ Gỗ và hơn 30 trường hợp xâm chiếm rừng của BQL RPH Nam Hà Tĩnh. Đất rừng, rừng bị xâm chiếm trên nhiều tiểu khu, như: 362, 362B, 367… Thống kê chưa đầy đủ, riêng rừng, đất rừng của BQL KBTTN Kẻ Gỗ ở tiểu khu 362, 367 đã bị lấn chiếm hơn 38 ha.
Được biết, tình trạng người dân vào rừng ngang nhiên phát, lấn chiếm đất rừng phòng hộ để trồng sắn hoạt động rầm rộ trong thời gian Nhà máy Vedan ở Kỳ Sơn thu mua sắn với giá cao. Thời điểm này, giá sắn lên hơn 2.000 đồng/kg, cao gấp 3 đến 4 lần so với trước đây nên người dân đua nhau phá rừng trồng sắn nguyên liệu. Diện tích của các BQL rừng bị luỗng phát để trồng sắn đa phần đã bị người dân xâm chiếm từ trước nhưng chủ yếu trồng cây keo cho nên các chủ rừng không phát hiện được. Bây giờ, trồng sắn phải cạo trắng rừng nên mới lộ ra đất rừng phòng hộ bị người dân xâm chiếm.
Chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng
Việc người dân ở các xã vùng Thượng, huyện Kỳ Anh xâm chiếm rừng, đất rừng của các ban quản lý tồn tại đã khá lâu, Chưa kể, không ít hộ dân, khi giá sắn lên cao cũng phá rừng trồng sắn. Trưởng ban BQL RPH Nam Hà Tĩnh Võ Xuân Sơn thừa nhận: 'Thời gian gần đây, tình trạng người dân ồ ạt vào lấn chiếm, tái lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp để trồng sắn nguyên liệu khá phức tạp. BQL đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ rừng như: tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn không giảm. Sau khi tuyên truyền, vận động người dân trả lại đất xâm chiếm để trồng sắn, Ban tổ chức lực lượng trồng lại các loại cây lâm nghiệp trên diện tích này. Trong hai tuần qua, ban đã trồng 40 nghìn cây keo trên diện tích 15 ha thuộc địa bàn xã Kỳ Sơn trên đất người dân phá rừng. Tuy nhiên, theo ông Sơn thì để xảy ra tình trạng trên một phần cũng do chính quyền địa phương các xã có rừng phòng hộ xử lý chưa nghiêm túc, chưa đủ sức răn đe các trường hợp lấn, chiếm, xâm hại rừng, nên họ tiếp tục tái phạm là chuyện đương nhiên'.
Một thực tế rất khó khăn đối với cơ quan chức năng nữa là khi phát hiện người dân xâm chiếm rừng, việc lập biên bản, xử lý cũng gặp rất nhiều trở ngại. Người dân bỏ chạy vào rừng, hay viện dẫn những lý do như: đi làm thuê, không biết chữ, không ký được… nên khó xử lý đối tượng vi phạm. Còn lãnh đạo kiểm lâm huyện Kỳ Anh thì đùn đẩy: Hầu như những người vi phạm, lấn chiếm rừng phòng hộ là để trồng sắn cho nên chủ yếu là đất rừng, hoặc nếu có cây rừng cũng rất ít nên không thuộc thẩm quyền xử lý của ngành kiểm lâm.
Hàng trăm ha rừng bị xâm chiếm, cạo trắng. Để xảy ra tình trạng đó là trách nhiệm thuộc về chủ rừng và chính quyền địa phương đã thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, các chủ rừng, chính quyền địa phương các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuyên truyền, tuần tra, xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm, xâm chiếm đất rừng, rừng phòng hộ theo pháp luật. Mặt khác, cần khẩn trương quy hoạch chi tiết vùng trồng sắn nhằm bảo đảm nguyên liệu cho Nhà máy Vedan, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân vùng Thượng, huyện Kỳ Anh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()