Ngăn chặn nguy cơ mất an toàn trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Trong quá trình khai thác dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đang tiềm ẩn một số nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT), tác động xấu đến đời sống, sinh hoạt của người dân các địa phương sống ven tuyến. Muốn giải quyết rốt ráo những khiếm khuyết này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý, các lực lượng chức năng, còn cần sự tham gia một cách có ý thức của người dân và các doanh nghiệp.
Vì sao dân phải “xé rào”?
Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai (NB-LC) được đưa vào vận hành đã và đang phát huy nhiều hiệu quả như giảm ùn tắc và thời gian đi lại cho người dân, tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương có tuyến đường đi qua,… Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, khai thác tuyến cao tốc này vẫn xuất hiện nhiều khiếm khuyết, gây mất ATGT và ảnh hưởng đến kết cấu công trình, trong đó nghiêm trọng nhất là việc người dân phá rào chắn để mở hàng quán dọc cao tốc. Thí dụ, trên cả hai chiều, đoạn qua huyện Trấn Yên (Yên Bái), thường xuyên xuất hiện hàng chục hộ dân dựng lều bạt ngay hàng rào thép gai để bán nước uống và bơm nước mui xe tải. Thậm chí, một số nhà dựng thang gỗ để hành khách vượt rào sang đường cao tốc cho tiện lợi. Nhiều tài xế dừng đỗ xe trái phép tại đây để vào uống nước và đón trả khách, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cảnh sát giao thông (C67 – Bộ Công an) nhìn nhận: Hiện tượng người dân phá rào để kinh doanh vẫn tiếp diễn là do chính quyền nhiều địa phương chưa làm đến nơi đến chốn. Các địa phương đều đã ký cam kết, nhưng thực hiện chưa nghiêm dẫn đến các đối tượng “nhờn” luật. Cũng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Dánh, cũng có địa phương làm rất quyết liệt nhưng dân vẫn xé rào là do quá trình xây dựng con đường chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu. Người dân không có đường đi nên buộc phải xé rào. Nếu nay đóng hàng rào, mai dân lại mở thì có “tung” bao nhiêu người ra xử phạt, đóng hàng rào cũng không thể làm xong. Giải pháp duy nhất là phải xây dựng thêm hệ thống cống chui, đường gom dân sinh,… để đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô tỉnh Yên Bái Đoàn Văn Thu cho biết: Một số đoạn tuyến cao tốc NB-LC gần đây dù được sửa lại nhưng chất lượng vẫn chưa bảo đảm, nhiều chỗ gồ ghề, không được láng phẳng cho nên xe đi vào rất hại lốp, nếu trời mưa sẽ không an toàn. Bên cạnh đó, ở đoạn Yên Bái-Lào Cai, do lực lượng cảnh sát giao thông chưa xử lý việc chạy chậm cho nên mặc dù quy định tốc độ xe chạy hơn 60 km/giờ, nhưng nhiều trường hợp xe công-ten-nơ, xe chở hàng nặng chỉ “ì ạch” chạy dưới 50 km/giờ. Tuy nhiên, nếu các xe sau tìm cách vượt lên là sẽ bị xử phạt. Vì vậy, cần bố trí thêm nhiều đoạn tránh vượt để đỡ gây bức xúc và tạo thuận tiện cho các lái xe. Đồng tình với quan điểm này, theo đại diện Doanh nghiệp vận tải Trần Phương (Lào Cai), nếu lái xe không vượt thì chậm giờ đóng lệnh tại bến, sẽ bị chủ xe phạt tiền, trong khi tăng tốc để vượt sẽ bị bắn tốc độ. Vẫn biết người kinh doanh vận tải phải chấp hành đúng những quy định đề ra; nhưng những bất cập như vậy làm doanh nghiệp rất khó xoay xở.
Tính từ khi đưa vào khai thác, tuyến đường cao tốc NB-LC đã phục vụ khoảng 10,5 triệu lượt phương tiện, trung bình khoảng 18.000 lượt phương tiện/ngày đêm. Lưu lượng xe lưu thông trên tuyến trong quý I-2016 tăng 44% so cùng kỳ năm trước. |
Đồng bộ các giải pháp
Giải thích về việc xe khách thường dừng đỗ giữa cao tốc để đón khách, cũng theo lập luận của đại diện Doanh nghiệp vận tải Trần Phương, từ xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đến TP Lào Cai khoảng cách gần 40 km, nhưng không có đường xuống. Người dân ở huyện Bảo Thắng muốn đi Hà Nội phải bắt xe ôm về TP Lào Cai mới đón được xe, tiền xe ôm quá cả vé xe khách. Thế nên, người dân mới buộc phải ra đường cao tốc bắt xe, còn xe khách cũng phải dừng đỗ dọc đường. Những vi phạm này cũng do các điểm dừng đỗ chưa được bố trí hợp lý, cũng như hệ thống đường gom chưa hoàn thiện. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cũng thừa nhận, tình trạng đón trả khách trên cao tốc rất mất an toàn và phản cảm. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Văn Thanh, vấn đề sai rõ ràng từ quy hoạch tuyến đường; đòi hỏi, cần khẩn trương, dứt khoát, nhanh chóng giải quyết vấn đề này và phải đưa ra được thời hạn cụ thể. Đội trưởng Đội tuần tra số 1 (C67) Phạm Văn Hòa thông tin thêm: Trên cao tốc NB-LC có 215 điểm không xây dựng được hàng rào, 140 điểm dân thường xuyên cắt phá; có 364 cầu, 1.050 hầm là những điểm đấu nối dân có thể từ đây lên đường cao tốc. Đồng thời kiến nghị, ngoài 12 vị trí đón trả khách dự kiến bố trí ngoài các nút giao trên cao tốc NB-LC, cần nghiên cứu thêm các vị trí đón trả khách để đáp ứng nhu cầu của người dân và bảo đảm an toàn lưu thông trên đường cao tốc.
Trả lời vấn đề này, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh cho rằng: Trong quá trình xây dựng dự án, tất cả những vị trí ảnh hưởng đến người dân đều đã bố trí đường và hầm dân sinh để tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, khi đường cao tốc hoàn thành, người dân mới xây nhà và hình thành nên các khu dân cư gần đường cao tốc cho nên ở những vị trí này không có hầm dân sinh. Đây là do yếu kém trong vấn đề quản lý quy hoạch, quản lý dân cư của địa phương. Thời gian tới, VEC sẽ xem xét việc bổ sung các điểm dừng đỗ, cống chui, đường gom,… cho phù hợp. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn dư của dự án, VEC sẽ tiếp tục mở rộng bốn làn xe khoảng 25 km đoạn Yên Bái – Lào Cai, nhất là những đoạn tiềm ẩn mất ATGT, tầm nhìn kém, đồng thời cách đoạn mở làn dừng khẩn cấp để cho vượt linh hoạt. Nhận thấy nhu cầu của người dân đón xe khách trên đường cao tốc là có, tuy nhiên không thể vi phạm các quy định gây mất an toàn, VEC kiến nghị các lực lượng chức năng trước mắt vẫn phải tiếp tục xử lý nghiêm xe khách dừng đỗ dọc đường. VEC sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị chức năng để quy hoạch lại giao thông và hạ tầng, bảo đảm sự kết nối đường địa phương với đường cao tốc và tổ chức giao thông hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải của địa phương và khu vực. Những bất cập khác liên quan đến công trình đường cao tốc, theo Tổng Giám đốc Mai Tuấn Anh, VEC sẽ tiếp thu nghiên cứu để nhanh chóng xử lý.
Được biết, sắp tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt các ca-mê-ra trên các tuyến cao tốc,… để giám sát các phương tiện đi lại và xử phạt các trường hợp vi phạm. Thông qua kiểm soát bằng ca-mê-ra gắn trên các tuyến cao tốc, chắc chắn sẽ giúp nâng cao ý thức của người tham gia lưu thông trên đường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()