Ngăn chặn nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng tại khu công nghiệp
Đợt dịch Covid-19 thứ tư này xảy ra không bất ngờ, đã được cảnh báo và dự báo từ trước. Tuy nhiên, khác các đợt dịch trước, phần lớn các ca mắc mới ở đợt này là tại bệnh viện, khu công nghiệp và có yếu tố dịch tễ liên quan.
Ðáng chú ý, một số khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Ðà Nẵng đang bị dịch tấn công khá mạnh, trong đó Bắc Giang đang là điểm nóng của dịch, khi ghi nhận khoảng 1.500 ca mắc Covid-19, chủ yếu là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. UBND tỉnh Bắc Giang quyết định tạm dừng hoạt động một số khu công nghiệp và triển khai nhiều biện pháp mạnh, trong đó có cả cách ly xã hội một số xã, huyện.
Sau cơ sở y tế, các khu công nghiệp được cho là những điểm xung yếu cần phải được bảo vệ trước sự tấn công của dịch Covid-19. Không chỉ Bắc Ninh, Bắc Giang, Ðà Nẵng, công tác phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp cần được triển khai trên quy mô toàn quốc. Do vậy, các địa phương cần thực hiện ngay công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn Covid-19 trong các khu công nghiệp, có phương án bảo đảm hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; Bộ trưởng các bộ Công thương, Kế hoạch và Ðầu tư chỉ đạo tất cả khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi không bảo đảm an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và những người liên quan; xử phạt nghiêm trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.
Theo thống kê, cả nước hiện có 369 khu công nghiệp tập trung, gần 30 khu cửa khẩu, khu chế xuất, tương đương 3,8 triệu lao động; gần 700 cụm công nghiệp với 600 nghìn lao động. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có đặc thù là công nhân cùng làm việc trong môi trường kín; di chuyển về các khu ký túc xá cùng thời điểm; sinh hoạt trong nhà trọ đông đúc; các dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt công nhân dày đặc… nguy cơ dịch lan rộng là rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và tại cơ sở sản xuất, kinh doanh ở nhiều tỉnh, thành phố chưa nghiêm túc; chưa cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Việc tập huấn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc, ký túc xá cho cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng chậm triển khai…
Tất cả các địa phương trên cả nước cần nghiêm túc vào cuộc, khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp thường xuyên cập nhật việc tự đánh giá công tác lên bản đồ an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Nếu dịch bệnh xảy ra trong các khu công nghiệp thì nguy cơ làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng là rất lớn, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước.
Các doanh nghiệp cần tích cực xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho người lao động, xét nghiệm từng khu vực làm việc để bảo đảm sản xuất an toàn. Mặt khác, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung; tránh dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo. Ðồng thời, tránh tâm lý cực đoan, cho tạm ngừng sản xuất để công nhân trở về địa phương, như vậy sẽ càng mất an toàn. Tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, cần đưa những người làm việc trong khu công nghiệp tập trung vào danh sách khai báo y tế bắt buộc và có ngay phương án ứng phó khi dịch xuất hiện…
Theo Nhandan
Ý kiến ()