Ngăn chặn nguy cơ bẫy tín dụng đen
Tín dụng đen được rao vặt tại nhiều ngõ, ngách ở quận Hà Đông (TP Hà Nội).
Cạm bẫy gọi điện, vay tiền liền tay
Hậu quả mà tín dụng đen gây ra không những là sự thiệt hại nặng nề về kinh tế, mà còn kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người nghèo và an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương. Nhiều người ví tín dụng đen như một cạm bẫy mà không cẩn thận, ai trong chúng ta cũng rất dễ dàng bị “dính”. Câu chuyện mà Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Kon Tum Lưu Duy Khanh chia sẻ là một thí dụ. Theo ông Khanh, có trường hợp người dân bỗng dưng trở thành nạn nhân của tín dụng đen, bởi lẽ người đó không hề vay đồng nào nhưng lại bị “truy nã” đòi nợ. “Chỉ gọi điện đến số điện thoại ghi trên tờ quảng cáo cho vay tín dụng đen, hỏi về lãi suất, kỳ hạn trả nợ,… sau đó dù không đạt được thỏa thuận vay nhưng vẫn bị yêu cầu trả phí 500 nghìn đồng gọi là tiền công tư vấn. Nếu người dân từ chối trả số tiền này vẫn bị ghi thành nợ và sẽ bị tính lãi suất 30 đến 40%. Nếu người dân vẫn không trả, các đối tượng, tổ chức trên tiếp tục dùng mọi biện pháp đe dọa tính mạng,…” – ông Lưu Duy Khanh cho biết.
Sự ngang ngược của các băng nhóm, tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi (hay còn gọi là tín dụng đen) đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân. Nhưng khi được hỏi, tại sao “sợ” mà vẫn tìm đến tín dụng đen, ông A U (sống tại xã Đác Ui, huyện Đác Hà, tỉnh Kon Tum) từng là nạn nhân cho biết: Một phần do thiếu hiểu biết, chưa tính toán kỹ. Một phần “ngại” đến ngân hàng hỏi vay “nên lúc ấy cần tiền gấp chỉ biết vay tín dụng đen”.
Nạn nhân của tín dụng đen rất đa dạng về lứa tuổi, trình độ học vấn, công việc. Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên, nạn nhân của tín dụng đen trên địa bàn chủ yếu là lao động phổ thông, người buôn bán nhỏ lẻ, khó khăn, không có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn chính thống. “Khi giao tiền, đối tượng cho vay đưa cho người vay một tờ giấy đã có sẵn các nội dung cơ bản cần thiết, chỉ để lại phần tên người vay, số tiền vay cộng lãi suất theo định mức. Người vay chỉ việc ký tên hoặc điểm chỉ. Nếu người vay không đủ khả năng chi trả theo thỏa thuận các đối tượng cho vay sẽ uy hiếp tinh thần như gây gổ, nhắn tin đe dọa,… cho đến các hành vi phạm tội như cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, giữ người trái pháp luật để buộc người vay phải đưa tài sản…” – ông Nguyễn Văn Yên cho biết.
Theo phản ánh của nhiều đại diện Công an tỉnh, thành phố, tín dụng đen còn xuất phát chủ yếu từ các nhu cầu vay vốn không hợp pháp như lô đề, cờ bạc, cá độ,… Số liệu từ Bộ Công an cho thấy, trong bốn năm trở lại đây, toàn quốc đã có hơn 7.600 vụ tội phạm liên quan tín dụng đen. Trong đó, có khoảng 170 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền).
Chặn “vòi bạch tuộc”
Hoạt động tín dụng đen diễn ra ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Do vậy, để có thể chặn được những “vòi bạch tuộc” tín dụng đen, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, đơn vị chức năng. Cụ thể, theo đề xuất của ông Lưu Duy Khanh, để góp phần đẩy lùi tín dụng đen, trước hết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các ngân hàng thương mại cần tăng cường giải pháp cho vay tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn theo phương châm nhanh, gọn, đơn giản. “Đặc điểm của tín dụng đen là dễ, nhanh, kịp thời, cho nên nó tồn tại” – ông Lưu Duy Khanh dẫn giải.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đác Hà (tỉnh Kon Tum) Hoàng Nghĩa Trí cho rằng, với nhiều người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, thì nhận thức về các quy trình thủ tục vay vốn cũng là một rào cản. “Nhiều người dân vùng xa không hiểu lắm về các bước làm thủ tục vay vốn ngân hàng và phần lớn vẫn có tâm lý ngại đến ngân hàng, ngại vay ngân hàng. Họ thường vay luôn từ các đại lý trong thôn, xã vì nhanh gọn, nhận được tiền ngay lập tức” – ông Hoàng Nghĩa Trí cho biết.
Theo lãnh đạo nhiều địa phương, dù hệ thống ngân hàng đã cải thiện về thủ tục, nhưng không ít người dân vẫn khó tiếp cận. Thí dụ, gia đình có người thân phải đi cấp cứu sẽ không thể chờ hôm sau mới đến ngân hàng để được vay rồi mới đưa người nhà đi bệnh viện. Thời điểm ấy, dù lãi suất bên ngoài có cao đến mấy, người dân cũng buộc phải vay. Do vậy, NHNN cần tiếp tục có những chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, mở rộng mạng lưới cho vay tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, NHNN nói riêng và toàn hệ thống ngân hàng nói chung đang triển khai đồng bộ mạnh mẽ nhiều giải pháp để đẩy lùi tín dụng đen. “Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục cải cách hành chính trong hoạt động tín dụng ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay; mở rộng mạng lưới hoạt động để đáp ứng nhu cầu tiếp cận tín dụng của người dân, nhất là những địa bàn “nóng” về tín dụng đen. NHNN khuyến khích các ngân hàng phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện thuận tiện hơn cho khách hàng tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác” – Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
NHNN đang tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, như sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty này, ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động; sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng, nhằm quy định tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của các ngân hàng thương mại. “Ngành ngân hàng sẵn sàng vào cuộc cùng với các cơ quan, bộ, ngành, chính quyền địa phương. Tôi hy vọng, những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành ngân hàng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen” – Thống đốc NHNN nêu rõ.
Các đối tượng cho vay tín dụng đen chủ yếu dùng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người vay như: Vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay,… Thực tế là người vay phải trả lãi suất rất cao (từ 282 đến 365%/năm). Nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con. Khi đó, đối tượng cho vay sẽ có nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động, gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ như đe dọa, khủng bố về tinh thần, sử dụng vũ lực (ở mức độ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), đổ chất thải, chất bẩn vào nơi ở, nơi sinh hoạt của người vay, tụ tập đông người tại nơi làm việc, kinh doanh, sản xuất của họ và người thân để gây sức ép…
TRẦN XUÂN HẢI Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông
Ý kiến ()