Ngăn chặn nạn nhập khẩu rác thải qua cảng Hải Phòng
Thực trạng đáng báo động
Mới đây nhất, ngày 21-9, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an Hải Phòng) phối hợp với Cục Hải quan Hải Phòng tiến hành kiểm tra và phát hiện lô hàng gồm năm công-ten-nơ chứa những cao-su phế thải và hàng điện tử qua sử dụng không thể tái chế được nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam qua cảng Hải Phòng. Liên tục trong các ngày trước đó, ngày 7-9, các lực lượng kiểm tra và phát hiện năm công-ten-nơ loại 40 feet là rác thải công nghiệp nhập lậu về cảng Đình Vũ (Hải Phòng) qua đường biển. Trong tháng 8-2010, tại các cảng biển khu vực Hải Phòng, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an Hải Phòng) cùng Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng và các cảng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện mười công-ten-nơ chứa phế liệu là cáp thép lẫn nhiều cao-su phế thải, hai công-ten-nơ ắc-quy chì phế thải, 17 công-ten-nơ vi mạch điện tử phế liệu… đều là các loại rác bẩn, không đủ điều kiện nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất tại các cảng biển Việt Nam. Thống kê của Công an Hải Phòng, trong ba năm (2003-2006) đã có gần 2.300 công-ten-nơ chứa gần 37.000 tấn 'rác thải' đã được nhập vào cảng Hải Phòng.
Trong hai năm 2008-2009, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 340 công-ten-nơ chứa rác thải nhập khẩu vào cảng Hải Phòng. Nhưng chỉ tính từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 300 công-ten-nơ rác thải nhập về cảng Hải Phòng.
Số rác thải được vận chuyển từ các tàu nước ngoài cập các cảng Hải Phòng và đều đứng tên người nhận là các doanh nghiệp trong nước có địa chỉ rải rác ở các địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn… Để tránh sự kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng Việt Nam, các đối tượng nước ngoài thường chia nhỏ và vận chuyển rác thải vào Việt Nam trên nhiều chuyến tàu (mỗi tàu chở vài ba công-ten-nơ rác) vào nhiều thời điểm khác nhau. Theo các cơ quan chức năng hiện có đến hàng trăm công-ten-nơ nghi chứa rác thải nhập lậu hiện đang được 'bỏ rơi' tại cảng Hải Phòng vì hàng cập cảng đã qua nhiều tháng, nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng chủ nhận hàng đến mở tờ khai hải quan, làm thủ tục nhận hàng…
Theo Thượng tá Nguyễn Đức Đáng, Trưởng Phòng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an Hải Phòng), tình trạng rác thải công nghiệp nhập về Hải Phòng (trong đó có nhiều công-ten-nơ là rác thải nguy hại) đang diễn biến rất phức tạp. Nội dung hợp đồng, thủ tục khai báo hải quan đều thể hiện là những mặt hàng hợp pháp nhưng thực chất bên trong công-ten-nơ là phế thải. Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp trong nước đứng tên trong các bộ chứng từ thanh toán (packing list) lại từ chối nhận hàng với lý do: hàng không đúng hợp đồng, không đúng chủng loại hàng hóa, chủ hàng nước ngoài gửi nhầm địa chỉ… Các doanh nghiệp nước ngoài thể hiện trên chứng từ thanh toán đều là những doanh nghiệp 'ma' ở các nước xuất hàng và nước nhập khẩu hàng hóa. Vì vậy, cơ quan điều tra rất khó xác định được chủ thể vi phạm. Thậm chí có doanh nghiệp còn dùng thủ đoạn xếp rác hoặc hàng có vi phạm ở phía trong công-ten-nơ và hàng hóa đúng quy định bên ngoài.
Cần có giải pháp mạnh
Sở dĩ có tình trạng trên, theo các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chính vẫn do việc vận chuyển, nhập khẩu 'rác' mang lại lợi nhuận cao nên các doanh nghiệp, cá nhân trong nước tìm mọi cách 'lách luật', ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau với danh nghĩa hợp pháp để thu lợi bất chính. Mặt khác, do hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu còn thiếu đồng bộ, có nhiều điểm chưa rõ ràng nên khi thực thi còn lúng túng. Chưa kể việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Số tiền phạt vi phạm hành chính quá nhỏ so với lợi nhuận thu được nên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm.
Theo Cục Hải quan thành phố Hải Phòng, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý loại hàng hóa này rất khó khăn. Mỗi ngày, lực lượng hải quan không thể dàn người để kiểm tra tới vài trăm công-ten-nơ hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trong khi đó, hệ thống trang, thiết bị lại thiếu thốn đã ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm.
Trong khi đó, thủ đoạn của những kẻ đưa rác thải công nghiệp nguy hại về Việt Nam ngày càng tinh vi hơn trước. Chúng thường thuê nhiều chủ tàu, hay nhiều đại lý tàu biển để vận chuyển cùng lúc hàng chục công-ten-nơ rác thải công nghiệp (được khai ngụy trang bằng tên một mặt hàng hợp pháp được phép nhập khẩu) trên nhiều chuyến tàu khác nhau về Việt Nam hòng qua mắt lực lượng quản lý, giám sát chức năng tại các cảng biển.
Đại diện các hãng vận tải tàu biển chỉ đảm nhận việc vận chuyển hàng hóa và không thể biết trong công-ten-nơ chứa rác thải. Do vậy, mỗi khi bị các cơ quan chức năng phát hiện hàng là rác thải thì hãng tàu thường làm các thủ tục xuất trả trở lại nước xuất khẩu. Nhưng nhiều lô hàng không thể xuất ngược trở lại vì không xác định được chủ thể (doanh nghiệp ma) bên nước ngoài… Khi đó, thành phố buộc phải tổ chức tiêu hủy số rác thải này. Việc tiêu hủy rác thải loại này sẽ tiêu tốn một khoản ngân sách khá lớn và tệ hại hơn, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.
Để giải quyết tình trạng trên, Nhà nước cần xây dựng một bảng danh mục các chất cụ thể không được lẫn trong các lô hàng phế liệu để doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng làm căn cứ thực hiện. Cần định lượng rõ mức độ cho phép tạp chất có lẫn, quy định tỷ lệ tạp chất như thế nào được coi là sạch, mức độ nào là bẩn, là vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng với chính quyền các địa phương để lập danh sách cụ thể và giám sát các doanh nghiệp tham gia nhập khẩu phế liệu, nhằm ngăn chặn, hạn chế thấp nhất việc lợi dụng nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhưng lại vận chuyển, nhập khẩu phế liệu nguy hại, rác công nghiệp vào Việt Nam. Đề nghị quy định phạt tiền ở mức cao, đủ sức răn đe các doanh nghiệp nhập rác thải vào Việt Nam để kiếm lợi bất chấp lợi ích chung.
Ý kiến ()