Ngăn chặn nạn ngược đãi người di cư
Sau khi truyền thông đưa tin về "chợ nô lệ" ở Libya, Liên hợp quốc (LHQ) đang nỗ lực chấm dứt tình trạng ngược đãi người di cư và tị nạn dọc tuyến đường Trung Địa Trung Hải. Các nước châu Âu và châu Phi cũng nhất trí phối hợp nhằm ngăn chặn vấn nạn này.
Pháp đã triệu tập phiên họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ liên quan đến những quan ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ đe dọa người di cư và tị nạn, thể hiện qua những thông tin và hình ảnh vi-đê-ô gần đây cho thấy người di cư châu Phi bị bán như nô lệ ở Libya. Tổng Giám đốc Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) U.Xơ-uynh nhấn mạnh: Đây là một thảm họa nhân đạo khủng khiếp và cộng đồng quốc tế cần triệt phá các tổ chức tội phạm buôn người. IOM đã giúp 13 nghìn người thoát khỏi các trung tâm giam cầm ở Libya và 8.000 người ở Ni-giê, song hiện vẫn còn khoảng 15 nghìn người bị giam giữ ở những cơ sở như vậy. Hiện IOM đang hợp tác với các đối tác, trong đó có Chính phủ Libya, Văn phòng Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Liên minh châu Phi (AU) và các quốc gia có người di cư, để cùng thực thi chương trình giải phóng hoàn toàn những trung tâm giam giữ như vậy.
Nhiều nước kêu gọi không thể tiếp tục phớt lờ tình trạng bóc lột người di cư và tị nạn dọc tuyến đường Trung Địa Trung Hải. Vì buộc phải bỏ trốn, không có đường đi an toàn cho nên những người tị nạn và người di cư bị biến thành đối tượng bị xâm hại, tra tấn, hãm hiếp, lạm dụng tình dục, ép buộc làm nô lệ và chịu những hình thức lao động cưỡng bức. Ở những quốc gia có chính phủ yếu và có những mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia hoạt động mạnh, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng.
Liên hiệp châu Âu (EU), LHQ và AU đã nhất trí về một kế hoạch khẩn cấp nhằm triệt phá các đường dây buôn người và hồi hương những người di cư không được xét quy chế tị nạn. Chi tiết kế hoạch này, một sáng kiến do Pháp đề xuất, đã được đưa ra thảo luận tại một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao AU – EU diễn ra ở Bờ Biển Ngà gần đây. Tổng thống Pháp Macron cho biết, trong kế hoạch này có việc thành lập một “lực lượng tác chiến” gồm cảnh sát cùng các cơ quan tình báo châu Âu và châu Phi. Lực lượng này sẽ phối hợp bắt giữ các đối tượng tình nghi buôn người, triệt phá đường dây của chúng và chặn đứng việc ủng hộ tài chính cho các tổ chức khủng bố. Các nước cũng nhất trí xem xét biện pháp trừng phạt tài chính đối với các đối tượng buôn người. Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre đã đề xuất đưa những kẻ buôn người di cư vào danh sách đen trừng phạt của LHQ, theo đó áp đặt lệnh cấm đi lại trên toàn cầu và phong tỏa tài sản.
Trước phản ứng mạnh của cộng đồng quốc tế, Chính phủ ở miền tây Libya được LHQ hậu thuẫn tuyên bố sẽ tăng cường hoạt động hồi hương người tị nạn. Văn phòng Chống buôn người của chính phủ này cho biết, sẽ tăng gấp hai đến bốn lần các chuyến bay mỗi tuần theo thỏa thuận với IOM. Chính phủ Libya nhất trí cho phép các cơ quan LHQ tiếp cận lán trại của người di cư tại các khu vực do nước này kiểm soát. Trong khi đó, các quốc gia EU đạt đồng thuận tài trợ cho tiến trình hồi hương người di cư đến từ Libya hiện do IOM đảm trách. Trong trường hợp những người di cư có đủ điều kiện tị nạn, họ sẽ được đưa tới CH Chad hoặc Niger trước khi được tái định cư tại một nước thứ ba ở châu Âu hoặc ở một khu vực khác. LHQ mới đây cũng nhận được cam kết từ các nhà tài trợ với khoản ngân sách 857 triệu USD nhằm giúp đỡ 67 triệu người tị nạn và người không có quốc tịch trên toàn thế giới vào năm 2018. Đây là số tiền cao nhất mà các nhà tài trợ từng cam kết với UNHCR.
Trước thực trạng Libya bị biến thành điểm trung chuyển chính đưa người di cư bất hợp pháp từ châu Phi sang châu Âu, hai châu lục này đang bàn thảo cách thức hợp tác với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và các bên khác để nhanh chóng xử lý vấn nạn buôn bán người di cư. EU đang gặp rất nhiều khó khăn để khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai với hơn 1,5 triệu người nhập cư vào khối này kể từ năm 2015, kéo theo nhiều bất ổn xã hội và làm gia tăng các vụ khủng bố.
Theo Nhandan
Ý kiến ()