Ngăn chặn nạn buôn lậu động vật hoang dã, quý hiếm
Tổng cục Hải quan nhận định, dịp cuối năm, các thủ đoạn buôn lậu động vật hoang dã, quý hiếm diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh.
“Nóng” trên cả ba tuyến đường
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên tuyến đường bộ, động vật hoang dã từ châu Phi và một số quốc gia khác, được đối tượng buôn lậu vận chuyển qua Lào, Cam-pu-chia, sau đó đưa vào Việt Nam bằng đường bộ. Từ Việt Nam, các đối tượng iếp tục vận chuyển lậu qua các đường mòn, đường tắt sang Trung Quốc. Tại Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 – Bến tàu Dân Tiến (TP Móng Cái, Quảng Ninh), chúng tôi được Trạm trưởng Nguyễn Văn Hoàn cho biết: Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng buôn lậu là chia nhỏ, cất giấu động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã như ngà voi, vẩy tê tê, xương hổ, rắn, rùa, cầy, cáo các loại… trong hàng hóa nông sản xuất khẩu, hành lý, trong người hoặc trên phương tiện vận tải để vận chuyển qua cửa khẩu, lối mở, đường mòn biên giới. Ngày 25-3-2016, nhận được tin báo của người dân, Tổ công tác thuộc Trạm đã triển khai chốt chặn, ra hiệu lệnh kiểm tra một xe ô-tô với hai người trên xe. Bất ngờ, các đối tượng lùi xe bỏ chạy. Đến địa phận xã Hải Tiến, TP Móng Cái, một đối tượng bị bắt giữ, đối tượng còn lại trốn thoát. Kiểm tra trên xe này, Tổ công tác thu giữ 129 con tê tê Java (535 kg), trị giá 936 triệu đồng.
Trên tuyến hàng không, đa số vụ việc đã phát hiện có tính chất nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi, nhiều nhất là các vụ vận chuyển trái phép ngà voi và sừng tê giác. Các đối tượng chủ yếu mua bán ngà voi, sừng tê giác tại các nước châu Phi (Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích, Nam Phi, Kê-ni-a), rồi vận chuyển bằng đường hàng không về sân bay quốc tế Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất để buôn bán, vận chuyển trái phép sang các nước lân cận. Để qua mắt cán bộ hải quan, chúng thường cất giấu trong các đồ vật, bôi tỏi lên sản phẩm, chia nhỏ, cất giấu ngụy trang trong va-li… Sau đó, chúng móc nối với một số đối tượng có nhiệm vụ trong sân bay để tuồn hàng ra ngoài, che mắt các lực lượng chức năng.
Phó Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Khánh Quang cho biết, thời gian gần đây, một số vụ việc vi phạm được phát hiện lại có tuyến đường vận chuyển từ các nước ít bị nghi ngờ, hoặc từ những vùng không có động vật hoang dã. Ngày 26-3-2016, thực hiện Chuyên án mang bí số NB2016, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện, bắt giữ lô hàng được Hãng hàng không Turkish Airlines vận chuyển về sân bay Nội Bài, tang vật gồm 238 kg ngà voi và 248 kg vẩy tê tê. Các đối tượng buôn lậu thường thuê người lao động vận chuyển và móc nối với nhân viên hàng không ở mặt đất. Khi bị phát hiện thường xé vé hàng ký gửi hoặc thay đổi, từ chối nhận hàng, tên hàng khai báo trên vận đơn thường chung chung, không cụ thể, cho nên gây khó khăn rất lớn trong công tác điều tra, bắt giữ đối tượng.
Ngày 6-10-2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) đã phối hợp bắt giữ lô hàng của một doanh nghiệp, mặt hàng theo khai báo là gỗ xuân đào xẻ hộp, xuất xứ Mô-dăm-bích, quá cảnh Ma-lai-xi-a. Nhưng kiểm tra phát hiện 12 khối gỗ có dấu hiệu bị đục rỗng, khi phá dỡ khám xét phát hiện tổng số tang vật vi phạm là 569 khúc ngà voi châu Phi, nặng 2.052 kg, 32 đôi đũa được chế tác từ ngà voi, 50 gam lông đuôi voi; bảy chiếc xương sọ và 25 móng vuốt loài sư tử châu Phi. Tiếp đó, ngày 26-10-2016, Chi cục phối hợp các lực lượng chức năng thực hiện khám xét lô hàng quá cảnh đi Cam-pu-chia, phát hiện trong hai công-ten-nơ có khoảng 863 kg mẫu vật nghi là ngà voi, được giấu trong các lóng gỗ khoét rỗng ruột, được đóng kín chèn thạch cao đặc bên trong, dán kín bằng keo phủ đất bên ngoài để che giấu các mối nối, tránh sự phát hiện của các cơ quan hải quan… Các vụ việc nêu trên là điển hình cho những thủ đoạn phổ biến trên tuyến đường biển. Đối tượng buôn lậu thường lợi dụng các ưu đãi trong chính sách xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là lợi dụng việc tạo thuận lợi trong quy trình thủ tục hải quan điện tử và việc áp dụng quản lý rủi ro để khai báo sai tên hàng; lợi dụng việc chuyển tải tại cảng trung chuyển nước ngoài để tạo mới chứng từ, che giấu cảng xếp hàng gốc. Cụ thể: Hàng hóa được chuyển tải qua nhiều tàu, vận chuyển qua nhiều cảng ở các nước khác nhau trước khi đến Việt Nam. Tên hàng trên chứng từ là hoàn toàn giả mạo để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Khi bị phát hiện thì từ chối nhận hàng hoặc không khai báo làm thủ tục hải quan. Để đối phó, các đối tượng buôn bán, vận chuyện thường khai báo động thực vật hoang dã là hàng thủy tinh, giấy cuộn, than củi, lạc nhân đóng bao, gỗ thường, nhưng thực tế kiểm tra, khám xét, phát hiện hàng là ngà voi, mai rùa, sừng tê giác…
Tìm hiểu tại Cục Hải quan các tỉnh: Long An, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Gia Lai – Kon Tum, chúng tôi được biết, đối tượng buôn lậu lợi dụng cả sự thông thoáng trong chính sách quản lý nhà nước về hải quan đối với các loại hình kinh doanh trong hoạt động xuất, nhập khẩu như tạm nhập – tái xuất, quá cảnh… để buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Đáng lo ngại, chúng còn lợi dụng cả việc gây nuôi, cấp phép theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) để kết hợp trà trộn, buôn lậu động vật hoang dã quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.
Kiên quyết ngăn chặn
Nhận định cách thức, thủ đoạn buôn lậu động vật hoang dã, quý hiếm nói riêng tiếp tục diễn biến tinh vi, cho nên lực lượng chống buôn lậu hải quan đã chủ động tăng cường hệ thống máy soi, hệ thống ca-mê-ra giám sát, hệ thống giám sát định vị vệ tinh, chíp giám sát điện tử… để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nhưng không gây ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa. Ngành hải quan tăng cường lực lượng và công tác thu thập, xử lý thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn, xác định trọng điểm, xây dựng kế hoạch, phương án, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, bắt giữ, xử lý kịp thời. Lực lượng hải quan phối hợp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu hàng không, cảng biển, đường bộ quốc tế, đường mòn, lối mở qua biên giới. Tập trung phát hiện, xử lý dứt điểm các đường dây, ổ nhóm buôn bán trái phép động vật hoang dã, bao gồm cả mẫu vật giả ở khu vực biên giới và thị trường nội địa. Công tác trao đổi thông tin; tổ chức lực lượng, phương tiện hiệp đồng tác chiến, đấu tranh, bắt giữ xử lý các vụ việc, cũng được chú trọng.
Về lâu dài, lực lượng hải quan tiếp tục thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, coi trọng vai trò của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội ở tất cả các khâu, từ tổ chức tuyên truyền, vận động, đào tạo nhận biết các loài động vật hoang dã cần được bảo vệ, đến phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý. Xây dựng các đầu mối trao đổi thông tin thường xuyên về tội phạm với các nước láng giềng là cần thiết để tạo điều kiện hỗ trợ nhau về thông tin xác minh, điều tra. Bên cạnh đó, Cục sẽ phối hợp tập huấn hằng năm về động thực vật hoang dã cho các cơ quan thực thi pháp luật như: nhận dạng loài, các xu hướng và thủ thuật buôn lậu, luật pháp liên quan mới ban hành.
“Các cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền về việc cấp giấy phép đối với hoạt động gây nuôi các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cần thường xuyên quản lý, kiểm tra chặt chẽ, tránh tạo sơ hở cho đối tượng buôn lậu lợi dụng hợp pháp hóa nguồn gốc các loài động, thực vật hoang dã đã được mua gom trái phép để kinh doanh, buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới” – đồng chí Nguyễn Khánh Quang đề nghị.
Từ ngày 16-12-2015 đến 15-12-2016, toàn ngành hải quan đã phát hiện và bắt giữ 26 vụ, khởi tố năm vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới. Nhiều nhất là các vụ buôn lậu các sản phẩm từ ngà voi (chín vụ, hơn 4.858 kg), sừng tê giác (hai vụ, 2,7 kg), tê-tê (năm vụ, hơn 900 kg vẩy và cá thể).
Theo Nhandan
Ý kiến ()