Ngăn chặn mua bán người ở Quảng Ninh
Nạn nhân tố cáo hành vi phạm tội của đối tượng với cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh. |
Nếu không được công an Trung Quốc giải cứu, có lẽ giờ đây TTH, ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã phải chôn vùi tuổi xuân tại động mại dâm. Khi kể lại câu chuyện, H vẫn không nguôi nỗi bức xúc về đối tượng rắp tâm hãm hại cô. Đỗ Mạnh Tùng, ở tổ 76, khu 8, phường Cao Thắng, TP Hạ Long (Quảng Ninh), làm nghề lái ta-xi đã lừa cô, rủ đi lấy hàng ở Cửa Ông rồi đưa thẳng ra Móng Cái, bán cho Hà Thị Oanh, ở Hồng Hà, Đan Phượng (Hà Nội). Khi Oanh đưa H đến Quảng Tây (Trung Quốc), tình cờ gặp Công an Trung Quốc, cô nhanh trí tố cáo. Ngày 5-8, Tùng bị Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ, còn H đã trở về bình an sau 22 ngày trong trại giam ở Trung Quốc.
Đã có nhiều cảnh báo về sự nhẹ dạ của các cô gái bị lừa bán và thủ đoạn tinh vi của bọn mua bán người. Nhưng thật đáng tiếc, những bi kịch vẫn tiếp diễn. Thủ đoạn của bọn chúng càng tinh vi, nên không ít cô gái sập “bẫy”. Lợi dụng biên giới đồi núi, nhiều đường mòn lối tắt qua lại, chúng lừa phỉnh các cô gái nhẹ dạ, cả tin đưa sang Trung Quốc bán. Lập tức, họ trở thành “món hàng” bị ép lấy chồng hoặc xô đẩy vào các “động mại dâm” tiếp khách. Cao thủ hơn, có đối tượng còn làm quen qua mạng in-tơ-nét, tán tỉnh giả vờ yêu đương, rủ đi làm ăn với thu nhập cao, sang Trung Quốc để thăm thân, du lịch, mua sắm để các cô gái ngây thơ dễ dàng mắc “bẫy”, thậm chí ép nạn nhân quan hệ tình dục trước khi đem bán. Nhiều đối tượng trước đây từng là nạn nhân hoặc sinh sống bất hợp pháp tại Trung Quốc đã cấu kết với các đối tượng ở nước sở tại trở về lừa bán chính người thân mình. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (PNTE) vùng nông thôn, hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn, dân trí thấp, thích ăn chơi đua đòi, thậm chí có cả sinh viên cũng bị dụ dỗ, lừa gạt. Trung tá Trần Xuân Trường, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhiều cô gái bị đối tượng lừa đưa qua biên giới, khi công an bắt giữ, thủ phạm vẫn một mực khẳng định đó là “người yêu” em, anh ấy chỉ rủ em đi chơi!. Có nạn nhân trốn thoát trở về tố cáo đối tượng lừa đảo, nhưng do đối tượng đang lẩn trốn, sinh sống ở Trung Quốc hoặc dùng tên giả, địa chỉ giả nên việc điều tra, bắt giữ gặp nhiều khó khăn.
Công an và Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã tăng cường rà soát địa bàn, trinh sát ở các điểm nóng tại Móng Cái như khu Hồng Hà (phường Ninh Dương), khu Vàng Lầy (phường Trần Phú), khu 7 (phường Hải Yên), khu Lục Lầm (phường Hải Hòa) và khu Ka Long (phường Ka Long)… bóc gỡ các đường dây mua bán người, giải cứu kịp thời nạn nhân. Ngày 2-10, tại khu vực Bến Đá, phường Trần Phú (TP Móng Cái), Đồn Biên phòng cửa khẩu Móng Cái bắt quả tang bốn đối tượng Vũ Thanh Tùng, Nguyễn Thế Anh, Lý Văn Dũng và Trần Thị Nga lừa ba cô gái quê ở Tam Thái, Tương Dương (Nghệ An) đều là công nhân da giày tại An Lão (Hải Phòng). Tin lời chúng gạ gẫm đi Quảng Ninh làm phục vụ quán ăn, lương tháng từ 4 triệu đến 5 triệu đồng, các cô đã cả tin nhận lời. Ngày 17-11 vừa qua, Công an TP Móng Cái khởi tố, bắt giam Nguyễn Văn Tuấn, ở Kiến Thụy (Hải Phòng) về tội mua bán người. Tuấn giả vờ yêu và dụ dỗ một cô gái ở Nho Quan (Ninh Bình) sang Trung Quốc bán cho một “tú bà” ở Trung Quốc với giá 3.000 NDT. Công an tỉnh cũng duy trì phối hợp chặt chẽ trao đổi thông tin với Công an Quảng Tây (Trung Quốc) trong điều tra, truy bắt đối tượng MBN và giải cứu nạn nhân. Những nạn nhân trở về được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp nhận tư vấn, trợ giúp pháp lý để ổn định tâm lý, tinh thần, hỗ trợ tiền tàu xe trở về địa phương đoàn tụ gia đình, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Một số trẻ em sơ sinh bị mua bán cũng được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh.
Xác định tuyên truyền, giáo dục pháp luật là biện pháp quan trọng, các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là chị em, nắm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động, cảnh giác không sa vào “bẫy” bọn mua bán người và tiếp tay cho tội phạm. Hội Phụ nữ tỉnh đã tập huấn, nâng cao kỹ năng cho 65 tuyên truyền viên và tổ chức ra mắt các câu lạc bộ phòng, chống MBN tại xã Đông Ngũ, Hải Lạng (Tiên Yên) và huyện Đầm Hà, nhằm phòng ngừa PNTE vùng cao có nguy cơ bị mua bán. Sở Tư pháp đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho nhân dân, thực hiện tốt việc đăng ký kết hôn, cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, không để xảy ra tội phạm mua bán người lợi dụng kẽ hở để hoạt động.
Thời gian tới, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh cần triển khai hiệu quả chương trình hành động phòng, chống tội phạm MBN giai đoạn 2011 – 2015, trong đó tập trung các biện pháp thiết thực như đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục; tăng cường nắm tình hình và phát hiện, điều tra, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm MBN; giải quyết hiệu quả các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ việc làm nhằm ngăn chặn điều kiện phát sinh tội phạm; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán, duy trì tốt mối quan hệ phối hợp trong nước và quốc tế trong trao đổi thông tin, giải cứu nạn nhân, xác minh, truy bắt các đối tượng phạm tội.
Ý kiến ()