Các đối tượng vận chuyển 1.000 viên ma tuý tổng hợp vào Quảng Trị ngày 24-8. Hành lang kinh tế Đông – Tây có chiều dài 1.450 km đi qua bốn nước Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam, bắt đầu từ thành phố cảng Malamin của Myanma và kết thúc tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ở Việt Nam hành lang kinh tế Đông- Tây đi qua ba tỉnh là Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng, trong đó có 2 tỉnh giáp biên giới với Lào, tổng chiều dài trên 290 km.
Toàn biên giới có 8 cửa khẩu, trong đó có một cửa khẩu quốc tế, ba cửa khẩu quốc gia và bốn cửa khẩu phụ. Ngoài ra còn hàng trăm đường tiểu mạch, hàng nghìn đường mòn qua lại biên giới. Tại một số cửa khẩu có các trung tâm thương mại gắn với trục giao thông xuyên Á, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các địa phương, đồng thời có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh và quốc phòng. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi để các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy lợi dụng để buôn bán ma túy giữa các nước trên tuyến hành lang hành lang kinh tế Đông- Tây.
Khu vực tiềm ẩn tội phạm ma túy
Theo báo cáo tình hình và kết quả phòng, chống ma túy trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây của Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm ma túy Bộ Công an: Trong những năm qua, tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy tại khu vực miền trung và các tỉnh thuộc hành lang kinh tế Đông – Tây của Việt Nam tiếp tục diễn biến khá phức tạp, tính chất ngày càng manh động và nguy hiểm hơn. Do tác động từ đặc điểm địa lý các vùng giáp biên thường có địa hình hiểm trở, núi cao, rừng sâu, giao thông liên lạc gặp nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, đó là điều kiện thuận lợi để tội phạm buôn bán ma túy lợi dụng để hoạt động.
Trên tuyến này, có từ 55-70 tụ điểm và từ đây hình thành hàng chục, hàng trăm tuyến đường vận chuyển ma túy qua biên giới vào Việt nam. Hê-rô-in, ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện được vận chuyển qua biên giới đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Hầu hết các đường dây vận chuyển vào Việt Nam đều có vũ trang và trang bị phương tiện thông tin, liên lạc hiện đại, sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Xuất phát từ tình hình trên, các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây đã hợp tác phòng, chống ma túy và trao đổi thông tin về các biện pháp ngăn chặn tội phạm ma túy, thực thi pháp luật, kỹ thuật điều tra, khám xét và bắt giữ tội phạm cũng như tham khảo áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác đấu tranh chuyên án ma túy cụ thể.
Tăng cường hợp tác với lực lượng chức năng của Lào, các lực lượng thi hành pháp luật phòng, chống ma túy và Công an các tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây của Việt Nam đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp tấn công, trấn áp quyết liệt tội phạm ma túy, chủ động phát hiện, triệt phá kịp thời các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Trong đó, điển hình nhất là lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công an tỉnh Sa vẳn na khệt, Sa la vẳn (Lào) xác lập các chuyên án, phát hiện và bắt giữ 6 vụ, 19 đối tượng phạm tội ma túy, thu giữ 156.350 viên ma túy tổng hợp. Qua công tác kiểm soát cửa khẩu, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ trên 100 vụ, 150 đối tượng về hành vi tàng trữ, vận chuyển ma túy trái phép qua biên giới…Hai năm qua, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện, bắt giữ 290 vụ, 609 đối tượng phạm tội ma túy, thu giữ 838,24 gam hêrôin, 11,768 kg cần sa, 158.784 viên và 1,285 kg ma túy tổng hợp, 8 ô tô và nhiều tang vật khác có liên quan…
Triệt phá nhiều đường dây, ổ, nhóm ma túy
Đối với Quảng Trị, cuộc chiến chống ma túy xâm nhập qua biên giới là cuộc chiến cam go, phức tạp nhưng với sự nỗ lực của các ngành chức năng nên đã đạt được một số kết quả tích cực. Thời gian qua, lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các tỉnh Savanakhet, Salavan (Lào) đánh trúng nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma túy có quy mô tương đối lớn. Thực hiện đợt cao điểm tấn công tội phạm ma tuý từ ngày 1-6 đến 30-8-2011, lực lượng phòng chống ma tuý Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã chủ động đấu tranh phá thành công 4 chuyên án, 10 vụ án, bắt, xử lý 29 đối tượng, trong đó có 7 đối tượng mang quốc tịch Lào, 22 đối tượng mang quốc tịch Việt Nam. Tang vật thu giữ gồm 8 bánh hêrôin, 24.851 viên ma tuý tổng hợp, 3 xe ô tô, 1 khẩu súng K59, 5 viên đạn, 3,8 kg thuốc nổ, 10 triệu tiền Kíp Lào, 10 cây vàng, 19.800 USD, 18.000 tiền Bạt Thái Lan, 7 xe máy, 7 điện thoại di động và một số tang vật, tài liệu quan trọng khác.
Trong đó, điển hình nhất là vào ngày 4-8-2011, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị và Công an tỉnh Sa vẳn na khệt thực hiện thành công chuyên án 625 L-V bắt bắt quả tang hai đối tượng mang quốc tịch Lào vận chuyển 14.800 viên ma tuý tổng hợp hiệu WY vào Việt Nam tiêu thụ là Đon Chăn, sinh năm 1980, trú tại bản Đông Băng, huyện Cay Xỏn và Thạo Kẹo, sinh năm 1976, trú tại bản Na Nhung, huyện Xoong Khôn, cùng tỉnh Sa vẳn na khệt. Tang vật thu được tại hiện trường, ngoài số ma tuý tổng hợp trên còn có một khẩu súng K59, có 5 viên đạn đã lên nòng và một xe VIGO mang biển số Lào 8407. Qua đấu tranh khai thác, hai đối tượng khai nhận đã mua số ma tuý trên tại tỉnh Sa vẳn na khệt, sau đó vận chuyển bằng xe ô tô theo đường xuyên Á qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Ngày 24-8, lực lượng phòng chống tội phạm ma tuý Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Đoàn đặc nhiệm miền Trung (Cục phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng) và Công an tỉnh Sa vẳn na khệt (Lào) bắt quả tang ba đối tượng mang quốc tịch Lào vận chuyển 10.000 viên ma tuý tổng hợp hiệu WY vào Việt Nam tiêu thụ, gồm: Thạo Nọi Văn Đa, sinh năm 1970, trú tỉnh Chăm Pa Sắc; Sou Li Yong Mit Sa Đa, sinh năm 1965 và Thạo Vệt Su Văn Xay Nha Phệt, sinh năm 1984, cùng trú tỉnh Sa vẳn na khệt. Tang vật thu được tại hiện trường, ngoài số ma tuý tổng hợp trên còn có 1 xe ô tô mang biển số Lào, 1 dây chuyền vàng 10 lượng, 10 triệu tiền Kíp Lào và 1.800 tiền Bạt Thái…
Thượng tá Nguyễn Thuận Hóa, Trưởng Phòng phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong số các chuyên án được phá, chuyên án 627L được phá vào lúc 10 giờ ngày 25-8-2011 được xem là một trong những chuyên án có thời gian chuẩn bị dài, huy động nhiều lực lượng trinh sát và tang vật phạm tội là ma tuý với số lượng rất lớn. Tại thời điểm trên, thuộc địa bàn phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, lực lượng phòng chống tội phạm ma tuý Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ đối tượng Đậu Xuân Duyên, sinh năm 1958, trú tại Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với tang vật phạm tội là 8 bánh hêrôin có trọng lượng 2,9345 kg; một xe ô tô BKS 30V-8204. Vào lúc 10h ngày 10-9-2011, lực lượng phòng chống tội phạm ma tuý Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, Đoàn Đặc nhiệm miền Trung- Cục Phòng chống ma tuý Bộ Tư lệnh Biên phòng phối hợp với Phòng PC 47 Công an và Đội Phòng chống ma túy Hải quan Quảng Trị đã đấu tranh thành công chuyên án 629L, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh năm 1976, trú tại khu phố 1, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ đang tàng trữ 1.000 viên ma tuý tổng hợp hiệu WY tại phòng 102 khách sạn Thuận An – thành phố Đông Hà. Đây là đối tượng nằm trong đường dây chuyên mua bán, vận chuyển các chất ma tuý từ tỉnh Khăm Muộn -Lào đưa vào Việt Nam tiêu thụ, mà lực lượng phòng chống tội phạm ma tuý Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã xác lập chuyên án, tổ chức trinh sát bám sát, theo dõi mọi di biến động của đối tượng để bắt quả tang khi đối tượng đang vận chuyển, buôn bán ma tuý.
Giải pháp phòng, chống ma túy hiệu quả
Do nhận thức và đánh giá được tính chất và tầm quan trọng của công tác phối hợp phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới nên lực lượng phòng, chống ma túy Việt Nam và Lào đã duy trì và mở rộng mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới và tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.
Tuy nhiên hiệu quả hợp tác phòng, chống ma túy qua biên giới vẫn còn một số hạn chế do các tỉnh giáp biên giới chưa xây dựng được quy chế phối hợp, công tác giao ban giữa các lực lượng chức năng chưa được duy trì thường xuyên, việc qua lại biên giới của lực lượng chức năng còn khó khăn về thủ tục ngoại giao. Mặt khác, pháp luật giữa các nước có nhiều điểm khác nhau, đặc biệt là chính sách hình sự đối với tội phạm ma túy nên quan điểm xử lý, công tác phối hợp đấu tranh còn nhiều điểm khác biệt, gây trở ngại, nhất là trong phối hợp bắt, xử lý các đối tượng cầm đầu, đối tượng truy nã và đối tượng phạm tội ma túy đang lẩn trốn trên lãnh thổ của nhau.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết: Để tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới, ngoài việc ngăn chặn, đánh trúng các đường dây, ổ, nhóm buôn bán, vận chuyển ma túy, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới về các hiểm họa ma túy, từng bước xây dựng phòng tuyến vững chắc ở khu vực biên giới; nghiên cứu, xây dựng, ký kết thực hiện quy chế phối hợp, trao đổi thông tin; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát biên giới chung; nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng liên lạc qua biên giới…
Tháo gỡ được những khó khăn, tồn tại trên, hy vọng trong thời gian tới công tác phòng, chống ma túy trên tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân trong khu vực.
Ý kiến ()