Ngăn chặn lập "doanh nghiệp ma" để trục lợi thuế
Lợi dụng chính sách thông thoáng trong việc cấp phép thành lập doanh nghiệp mới, nhiều đối tượng đã lập các "doanh nghiệp ma", không hoạt động kinh doanh mà nhằm mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế. Nhóm tội phạm này gia tăng với thủ đoạn ngày một tinh vi, không những gây thất thoát ngân sách nhà nước mà còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, tạo sự bất bình đẳng với doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tại hội nghị đối thoại giữa Tổng cục Thuế và 300 doanh nghiệp phía nam diễn ra ngày 27/9 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đưa ra cảnh báo đáng lo ngại về "doanh nghiệp ma". Tình trạng mua bán hóa đơn hiện nay quá tinh vi, dẫn đến rủi ro rất lớn cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan thuế.
Thời gian qua, nhiều địa phương, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống, hóa đơn không hợp pháp với số tiền thu lợi bất chính rất lớn.
Điều này cho thấy, lỗ hổng lớn liên quan việc thành lập, quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp như việc cấp phép, thành lập doanh nghiệp rất mở nhưng khâu quản lý doanh nghiệp ấy hoạt động như thế nào lại rất lỏng lẻo, để không ít "doanh nghiệp ma" tồn tại trục lợi thuế trong thời gian dài.
Đầu năm 2024, Công an Quận 10 (Thành phố Hồ Chí Minh) triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn do Nguyễn Xuân Vinh cầm đầu, khởi tố, bắt tạm giam năm bị can. Theo điều tra, Vinh và đồng phạm đã lập 26 "doanh nghiệp ma" ở Quận 10 và các địa bàn lân cận.
Từ năm 2020 đến đầu năm 2024, các công ty này xuất hơn 3.700 hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng trăm doanh nghiệp, với tổng trị giá "ghi khống" hơn 1.200 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Mới đây, ngày 9/8, Công an thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã triệt phá chuyên án, bắt giữ ba đối tượng thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị hơn 11.000 tỷ đồng.
Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2024, các đối tượng đã thành lập hơn 40 doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại thành phố Lạng Sơn để mua bán trái phép hóa đơn.
Những "doanh nghiệp ma" tạo gánh nặng trách nhiệm lên cơ quan thuế trong công tác quản lý hóa đơn, chứng từ người nộp thuế. Các cơ quan thuế phải mất nhiều thời gian xác minh tính hợp pháp của các hóa đơn của doanh nghiệp. Đó là một phần nguyên nhân khiến nhiều hồ sơ hoàn thuế bị "tắc" tiến độ.
Vừa qua, Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn nhờ các cơ quan chức năng xác minh trường hợp một cá nhân làm đại diện pháp luật cho 116 công ty. Điều đáng nói là cả 116 công ty này đều được thành lập chỉ trong vòng năm tháng (từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024) và đăng ký với tên nước ngoài.
Từ dấu hiệu bất thường này, cơ quan thuế đã mời làm việc và kiểm tra thì các doanh nghiệp đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, địa chỉ không có thật.
Những quy định hiện hành về thành lập doanh nghiệp quá dễ để lại gánh nặng lớn trong công tác quản lý. Vì thế, việc quy định hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải chứng minh rõ địa chỉ kinh doanh, thông tin của chủ sở hữu doanh nghiệp, quy định số lượng doanh nghiệp mà mỗi cá nhân có thể làm đại diện pháp luật được xem là biện pháp thanh lọc ban đầu giúp cơ quan chức năng kiểm soát được chất lượng doanh nghiệp mới thành lập; từ đó hạn chế tình trạng giả mạo thông tin, thành lập "doanh nghiệp ma".
Trong thời gian tới, để kiểm soát, ngăn chặn hành vi lập "doanh nghiệp ma", cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ban, ngành chức năng. Bên cạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thành lập mới doanh nghiệp, cần phải hậu kiểm ngay từ khi doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động.
Song song đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn nhan nhản trên thị trường để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tránh thất thu thuế và giảm rủi ro trong công tác quản lý của cơ quan thuế.
Ý kiến ()