Ngăn chặn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường: Chuyển biến từ nhận thức sang hành động
LSO-Phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, góp phần thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
LSO-Phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, góp phần thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Xác định rõ đây là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các cấp, các ngành của tỉnh đã và đang triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án, với quyết tâm xây dựng Lạng Sơn ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Cấp phát tài liệu, trang phục tuyên truyền ngày hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2013 |
Với nỗ lực phấn đấu xây dựng Lạng Sơn phát triển bền vững, thời gian qua các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, kiểm soát và khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường. Theo đó, các tổ chức đoàn thể đều đã và đang tích cực tham gia BVMT, thông qua các hoạt động tuyên truyền các nội dung liên quan đến môi trường tới 100% hội viên; trung bình mỗi năm mở trên 10 lớp tập huấn về công tác môi trường đến các chi hội trưởng hội nông dân, phụ nữ, bí thư đoàn xã trên địa bàn tỉnh. Trong đó, điển hình là hội phụ nữ đi đầu trong sự nghiệp BVMT của tỉnh. Hội có các hoạt động mang tính chủ động, sáng tạo đã bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nhận thức và từng bước làm chuyển biến về hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ tự giác tham gia BVMT với rất nhiều phong trào và mô hình đặc sắc. Cụ thể là phong trào “5 không, 3 sạch”, “phụ nữ tham gia giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm”, “mô hình phụ nữ trồng cây lấy lá sử dụng thay thế túi ni lông”… Cùng với đó, tỉnh quan tâm ưu tiên là giải quyết dứt điểm các điểm “nóng” về ô nhiễm như làm sạch môi trường các dòng suối ở trung tâm thành phố; thu gom, xử lý rác thải, nước thải; cải tạo môi trường khu dân cư, bệnh viện… Các dự án được đầu tư kịp thời đã và đang phát huy tác dụng.
Theo ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, Lạng Sơn đã hoàn thành việc xử lý dứt điểm 6/9 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã được chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý triệt theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong ba cơ sở còn lại, hiện có 01 cơ sở (Mỏ than Na Dương) đang khẩn trương hoàn thành một số hạng mục công trình để trong năm 2013 lập thủ tục hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để. Hai cơ sở là nền kho thuốc bảo vệ thực vật huyện Hữu Lũng và các kho thuốc trừ sâu trong tỉnh cũng đã và đang được phê duyệt kinh phí, nỗ lực khắc phục, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường để sớm ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thời gian qua, tỉnh đã thí điểm xử lý ô nhiễm suối Lao Ly, suối Ngọc Tuyền trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, từ nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh, Công ty TNHH Huy Hoàng đã được vay 1 tỷ đồng để kè chắn bờ suối Lao Ly thuộc dự án “Điểm tập kết, gom rác tại thành phố Lạng Sơn”; Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh đã đảm nhận khảo sát thực trạng ô nhiễm môi trường suối Ngọc Tuyền và hang Nhị Thanh (thành phố Lạng Sơn). Đồng thời, tiến hành cấp phát hàng trăm tờ rơi tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các khu dân cư lân cận; phối hợp với Công ty cổ phần tư vấn thủy lợi Lạng Sơn lập dự án sơ bộ thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường hang Nhị Thanh. Trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, đến nay, 100% thị trấn, thị tứ, các phường của tỉnh có hợp đồng với các công ty tư nhân, hợp tác xã để thu gom rác sinh hoạt. Trung bình mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt, trong đó tỷ lệ thu gom đạt khoảng 50%. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cơ bản xóa bỏ xong các lò gạch thủ công, không còn khói lò gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng hoa màu của nhân dân. Hoạt động xã hội hóa môi trường được đẩy mạnh, nhiều địa phương tổ chức xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước, cam kết bảo vệ môi trường; hình thành các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường; nhiều tổ chức, doanh nghiệp được thành lập, tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt…
Mặc dù công tác BVMT đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, song vẫn còn những bất cập cần phải khắc phục kịp thời như: chất lượng các nguồn nước suy giảm; không khí ở khu đô thị, cụm công nghiệp bị ô nhiễm; tài nguyên thiên nhiên trong nhiều trường hợp bị khai thác quá mức, không có quy hoạch; đa dạng sinh học bị đe doạ nghiêm trọng; điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch ở nhiều nơi không bảo đảm. Trước thực tế này, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp để BVMT trong thời gian tới, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện các dự án: Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2005 – 2010, tầm nhìn đến năm 2020; điều tra đánh giá hiện trạng mức độ ô nhiễm môi trường các cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn và đề xuất các giải pháp phòng ngừa giảm thiểu ô nhiễm; xây lắp lò đốt chất thải y tế Bệnh viện đa khoa Trung tâm Lạng Sơn; Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Hiện nay, UBND tỉnh giao cơ quan chuyên môn (Sở Tài nguyên và Môi trường) đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011-2020. Ngoài ra, tăng cường hoạt động kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật BVMT; triển khai các chương trình quan trắc chất lượng môi trường; nhân rộng những phương án, mô hình xử lý rác sinh hoạt quy mô nhỏ hiệu quả ở cấp huyện, xã. Tin rằng, với nỗ lực và quyết tâm, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành và mọi người dân, việc phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn sẽ ngày càng khởi sắc.
HỒ XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()