Ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn lậu, hàng giả trong thương mại điện tử
Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 sẽ là công cụ hữu hiệu bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả bán hàng và mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên nền tảng mạng xã hội hay thương mại điện tử cũng diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi đòi hỏi có những giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn cũng như giúp lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Diễn biến phức tạp
Ngày 26/4 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Hà Đông, Hà Nội) tiến hành kiểm tra kho hàng tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 250 sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Burberry, Zara…
Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng thừa nhận, số hàng hóa trên được nhập trôi nổi trên thị trường về livestream quảng cáo là các sản phẩm thời trang hàng hiệu để bán hàng online trên các trang mạng xã hội.
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, thương mại điện tử Việt Nam đã trải qua một thời gian phát triển tương đối dài. Đến nay, thương mại điện tử đã trở nên tương đối phổ biến trong đời sống thường ngày, đặc biệt đối với người tiêu dùng tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng có một số kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, khi các hoạt động vi phạm ngày càng trở nên tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Cũng theo ông Trần Việt Hùng, chỉ riêng trong hai năm 2021-2022, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội phát hiện, bắt giữ, xử lý 4.513 vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Khởi tố hình sự 10 vụ đối với 20 đối tượng; phạt hành chính trên 530,9 tỷ đồng.
Nói về lĩnh vực thương mại điện tử, ông Hồ Quốc Hùng, Cục Quản lý thị trường Đăk Nông cho hay, hiện vẫn còn một số sàn thương mại điện tử chưa chặt chẽ trong khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa nên đã tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái chen chân.
Điều đáng nói là ở một số sàn giao dịch thương mại điện tử, với cũng 1 sản phẩm nhưng với mỗi gian hàng giá lại có sự chênh lệch khá lớn. Ít thì vài trăm nghìn đồng, có nơi chênh lệch lên đến tiền triệu.
“Khi khách hàng đặt câu hỏi bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề này thì gian hàng bán giá thấp thường trả lời “hàng đang được giảm giá”. Tuy vậy, chỉ đến khi nhận sản phẩm, khách hàng mới thấy không ít mặt hàng có chất lượng khác xa so với quảng cáo,” ông nói.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng khuyến cáo, hiện nay các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm.
Chính vì vậy, đối với các sản phẩm là thuốc, nên mua tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội…
Đẩy mạnh kiểm soát
Để kiểm soát các giao dịch trên thươmg mại điện tử, ngày 29/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.
Hơn nữa, Đề án góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm, đồng thời bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.
Liên quan tới lĩnh vực này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, nhằm tăng cường công tác ngăn chặn chống hàng giả, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế sỗ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử.
Ngoài ra, Cục sẽ tập trung phổ biến, hướng dẫn thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về thương mại điện tử, bao gồm Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp.
Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, ngăn chặn, phòng ngừa đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
“Tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định hàng hóa vi phạm. Tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan,” đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói.
Về phía Tổng cục Quản lý thị trường lực lượng sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. Tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()