Ngăn chặn hành vi rao bán hung khí, vật liệu nổ qua mạng xã hội
Mua đi bán lại “hàng nóng” qua mạng xã hội
Vào ngày 6/11 vừa qua, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45)-Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khám phá một đường dây sản xuất, mua bán súng đạn trái phép cực lớn, do đối tượng Nguyễn Hồng Phúc (33 tuổi, quê Vĩnh Long) cầm đầu.
Lực lượng công an thu giữ tổng cộng 26 khẩu súng các loại; hai quả lựu đạn; một quả mìn tự chế; 170 viên đạn các loại; hai kíp nổ, ống giảm thanh, thuốc nổ, dây cháy chậm và nhiều dụng cụ để chế tạo súng đạn, kiếm…
Đáng chú ý, theo lời khai ban đầu, Phúc đã mua nhiều loại vũ khí như súng ru lô, đạn, ống giảm thanh, lựu đạn… qua nhiều đầu nậu rao bán trên mạng xã hội Facebook. Sau đó, Phúc giao lại cho đàn em là Lê Ngọc Mãi (16 tuổi, quê Đồng Tháp) tìm mối bán lại để kiếm lời.
Khoảng tháng 8/2017, Mãi nhận một khẩu súng bắn đạn thể thao và 50 viên đạn từ Phúc rồi rao bán trên mạng xã hội. Khi có người nhắn tin trên mạng xã hội, Mãi thỏa thuận và bán cho một đối tượng ngụ Gia Lai với giá 8 triệu đồng. Mãi bán một số vũ khí với cách làm này.
Không chỉ mua qua bán lại kiếm lời, Phúc còn cho các đối tượng giang hồ thuê vũ khí, sản xuất một số vũ khí tự chế tại xưởng sản xuất của mình trong một khu rẫy trồng điều nằm ở xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Phúc khai nhận thường xuyên mua “hàng nóng” của Khúc Chí Tài (17 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Ngày 20/10, các trinh sát thuộc Đội 3, PC45 bắt giữ Tài tại nhà riêng ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Tại cơ quan điều tra, Tài khai nhận mình cũng là người mua đi bán lại. Thông qua mạng xã hội Facebook, Tài còn bán “hàng nóng” cho nhiều người khác.
Có thể thấy, thông qua mạng Internet, việc tìm kiếm và mua bán những vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ là rất dễ dàng. Chỉ cần tìm kiếm bằng những từ khóa đơn giản, người mua có thể dễ dàng nhận được hàng chục nghìn kết quả về những trang web, trang mạng xã hội rao bán vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ. Sau khi “đặt hàng” và “chuyển tiền,” “hàng nóng” sẽ được chuyển đến tận tay.
Cần tăng cường phát hiện và xử lý
Mới đây, Công an Quận 9 (Thành phố Hồ Chí Minh) phát hiện hai đối tượng là Phan Thành Tấn (27 tuổi, ngụ Bình Phước) và Nguyễn Đức Lập (22 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) chở nhau trên xe máy biển kiểm soát 93F1 – 288.65 trước khu vực chợ Nhỏ (đường Lê Văn Việt, phường Hiệp Phú, quận 9) có nhiều biểu hiện nghi vấn. Lực lượng chức năng đã yêu cầu hai đối tượng dừng xe để kiểm tra.
Qua kiểm tra, các trinh sát phát hiện Tấn và Lập mặc áo giáp chống đạn và trong cốp xe có một khẩu súng bắn đạn bi, có hình dạng giống súng K59. Lập khai nhận áo giáp chống đạn và súng được mua trên mạng vào năm 2016 để phòng thân.
Ngoài ra, qua nhiều chuyên án, vụ án được các lực lượng công an khám phá trong thời gian qua, nhiều đối tượng khai nhận đã mua phương tiện gây án trên mạng.
Để ngăn chặn tình trạng này, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm tra, quản lý vũ khí, vật liệu nổ; mở cao điểm đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí; phối hợp với các đơn vị liên quan ngăn chặn nguồn vũ khí “nóng” thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài ra, Công an các quận, huyện tiếp tục mở rộng các chương trình vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý việc rao bán hung khí, vật liệu nổ trên không gian mạng, mặc dù đây là điều khó khăn. Trước mắt, các cơ quan có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các trang web, quảng cáo, mạng xã hội có nội dung rao bán công khai vũ khí, công cụ hỗ trợ, truy tận gốc những đối tượng đăng phát thông tin để xử lý nghiêm.
Theo báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017 của Bộ Công an, từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã khởi tố điều tra 40.497 vụ, 58.983 bị can đối với tội phạm xâm phạm trật tự xã hội (giảm 5,48% số vụ và giảm 8,08 số bị can so với năm 2016).
Bộ Công an nhận định hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lưu manh côn đồ sử dụng vũ khí vẫn diễn ra ở một số nơi. Đáng chú ý, đã có sự liên kết giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế, ma túy, tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp, tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất manh động.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Văn phòng luật sư Đức Chánh), hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Người có hành vi như vậy sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Hình sự 1999. Cụ thể, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù từ 1 năm đến cao nhất là tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm. Hiện nay, tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018./.
Ý kiến ()