Ngăn chặn gian lận trong khai báo mã số hàng hóa
Qua quá trình rà soát trên hệ thống nghiệp vụ hải quan đối với mặt hàng đồng xuất khẩu, Tổng cục Hải quan vừa phát hiện một số tờ khai có mô tả hàng hóa không phù hợp mã số khai báo nhưng vẫn được chấp nhận thông quan.
Cụ thể, mặt hàng khai báo là đồng lá phế liệu được chấp nhận thông quan theo mã số 7410.11.10 (thuế suất thuế xuất khẩu 0%), tuy nhiên theo tên khai báo thì mặt hàng phù hợp phân loại thuộc mã số 7404.00.00 (thuế suất thuế xuất khẩu 22%); mặt hàng khai báo là phế liệu đồng trắng được chấp nhận thông quan theo mã số 7409.90.00 (thuế 0%), tuy nhiên phù hợp phân loại thuộc mã số 57404.00.00 (thuế 22%); mặt hàng khai báo là đồng tinh luyện lá mỏng dạng cuộn chưa được bồi (phế liệu nằm trong tỷ lệ hao hụt) được chấp nhận thông quan theo mã số 7410.11.90, hoặc mã số 7409.11.00 (thuế 0%), tuy nhiên phù hợp xem xét phân loại thuộc mã số 7404.00.00 (thuế 22%).
Ngày 2/10/2024, Tổng cục Hải quan ra Văn bản số 4736/TCHQ-TXNK gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố về việc rà soát phân loại mặt hàng đồng xuất khẩu. Trong đó, yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát đối với các tờ khai khai báo mặt hàng đồng xuất khẩu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc gian lận khai báo sai mã số để trốn thuế xuất khẩu.
Việc Tổng cục Hải quan kịp thời ban hành văn bản chấn chỉnh, xử lý đã góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước. Song công việc cấp thiết tiếp theo là cần kiểm tra, rà soát việc khai báo mã số đối với các mặt hàng cùng chủng loại, các mặt hàng liên quan, làm rõ phương thức, thủ đoạn, tăng cường cảnh báo.
Ðồng thời, mở rộng ra các mặt hàng có nghi vấn gian lận thương mại cả trong hoạt động nhập khẩu và hoạt động xuất khẩu, tập trung vào địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, các mặt hàng nằm trong danh sách cập nhật cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, gian lận khai báo mã số; chủ động thu thập thông tin về doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp thường xuyên thực hiện xuất, nhập khẩu những nhóm hàng hóa có thuế suất cao, nhằm kiểm soát chặt chẽ hồ sơ hải quan điện tử; đồng thời tăng cường giám sát trực tuyến trên hệ thống, kịp thời phát hiện hàng gian lận trong quá trình kê khai hải quan.
Việc gian lận khai báo mã số thường rơi vào trường hợp cơ quan hải quan không đủ cơ sở để kết luận rõ về mã số hàng hóa, do đó, các trường hợp này không được tùy tiện áp dụng mã số theo ý chí chủ quan của công chức mà cần được lấy mẫu phân tích, giám định để xác định rõ bản chất hàng hóa làm cơ sở xác định mã số theo quy định.
Trong bối cảnh kim ngạch xuất, nhập khẩu ngày càng gia tăng với nhiều mã số hàng hóa mới, mã số hàng hóa có nguy cơ cao bị khai báo gian lận; vấn đề trọng tâm hiện nay mà các đơn vị trong toàn ngành hải quan cần lưu ý đó là, việc chủ động trong công tác nắm tình hình, diễn biến thị trường xuất, nhập khẩu; tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, lực lượng chức năng khác trong thực thi công vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn gian lận thương mại.
Chú trọng công tác cập nhật kiến thức, thông tin mới, thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ làm việc của cán bộ, công chức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chống gian lận thương mại. Nội dung quan trọng nữa là, cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu đơn vị gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức thông đồng, tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại.
Ý kiến ()