Ngăn chặn dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò
Theo Cục Thú y, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò lần đầu xuất hiện ở nước ta vào tháng 10-2020, đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.252 xã, thuộc 252 huyện của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số 63.714 con gia súc mắc bệnh, 9.170 con chết và tiêu hủy. Nhiều ý kiến cho rằng, bệnh VDNC có thể lan rộng trong thời gian tới, do vậy các địa phương cần triển khai quyết liệt nhiều giải pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn.
Thực tế trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò thời gian qua cho thấy, tại một số tỉnh, thành phố, nhờ chủ động tiêm phòng vắc-xin kịp thời, số ổ dịch trên địa bàn giảm rõ rệt từ 30 đến 60%; số trâu, bò mắc bệnh ít hơn hẳn, không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh. Tại Hà Tĩnh, từ hơn 17.400 con trâu, bò nhiễm bệnh, giờ giảm xuống còn hơn 13.000 con bị bệnh VDNC. Ở Nghệ An, từ gần 7.300 con mắc bệnh, nay chỉ có 2.900 con bị bệnh. Tại Sơn La, gần 1.100 con nhiễm bệnh VDNC, đã giảm còn hơn 800 con… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, do địa phương đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin VDNC cao, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, đề nghị người dân ký cam kết không giết mổ gia súc nhiễm bệnh, lập 256 chốt kiểm soát lưu động trên địa bàn, cho nên dịch bệnh đã được khống chế. Còn ở Hà Nội, việc kiểm soát dịch VDNC khá tốt khi toàn thành phố chỉ có 21 con trâu, bò bị mắc bệnh, năm con bị chết và tiêu hủy. Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ, chúng tôi đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về bệnh VDNC, các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở; giám sát chặt chẽ đàn gia súc mắc bệnh, thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho trâu, bò; thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng tại khu vực có ổ dịch…, do vậy đã đẩy lùi được bệnh VDNC trên địa bàn.
Bên cạnh những nơi làm tốt thì lãnh đạo chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; chưa giám sát, phát hiện dịch bệnh, thậm chí có nơi dịch xuất hiện trên địa bàn từ một đến hai tháng, nhưng chính quyền sở tại không phát hiện, chậm báo cáo cho cán bộ thú y cơ sở. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cao Bằng thừa nhận: Công tác tổ chức chống dịch tại một số nơi trên địa bàn chưa thật sự quyết liệt, chỉ đạo còn mang tính hình thức, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc. Việc giám sát, báo cáo dịch bệnh còn chậm dẫn đến dịch lan ra diện rộng; tổ chức triển khai tiêm phòng vắc-xin bao vây ổ dịch chậm, đạt tỷ lệ thấp. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Lạng Sơn Đinh Thị Thu đánh giá: Do địa bàn rộng, nhận thức của một số hộ chăn nuôi chưa cao, còn chủ quan, gây khó khăn cho công tác chống dịch. Trên địa bàn chưa có cơ sở giết mổ gia súc tập trung cho nên khó kiểm soát được triệt để nguồn lây nhiễm. Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Ngọc Cương cho biết, hệ thống thú y cấp huyện thay đổi, sáp nhập thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện đã một phần ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở. Bệnh VDNC mới xuất hiện, song ý thức phòng, chống dịch của người dân chưa cao, chưa kịp thời khai báo, một số hộ dân vẫn có hiện tượng giấu dịch. Còn theo Giám đốc Sở NN và PTNT Lào Cai Đỗ Văn Duy: Chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa thật sự quan tâm công tác phòng, chống dịch. Ở vùng cao, người chăn nuôi vẫn thả rông gia súc và chưa chú trọng công tác tiêm phòng vắc-xin. Đáng chú ý, do thủ tục xin cấp kinh phí và đấu thầu mua vắc-xin VDNC theo quy định còn mất nhiều thời gian dẫn tới việc triển khai tiêm phòng khẩn cấp bao vây, khống chế ổ dịch còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, kịp thời ngăn chặn bệnh VDNC lan rộng, theo Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, các địa phương cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 631/CĐ-TTg; áp dụng nhiều biện pháp thích hợp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định. Các cơ sở chăn nuôi, chủ chăn nuôi trâu, bò chủ động thực hiện việc phòng, chống dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng, trại thường xuyên. Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, các sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu, bò. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người dân, các địa phương trong việc phòng, chống bệnh VDNC…
Theo các chuyên gia, giải pháp tiêm vắc-xin đã cho thấy hiệu quả tích cực trong phòng, chống dịch bệnh VDNC. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương có kế hoạch bố trí kinh phí để bảo đảm tiêm phòng tối thiểu 80% tổng đàn trâu, bò thuộc diện tiêm. Hỗ trợ các hộ chăn nuôi mua thuốc diệt nguồn lây nhiễm là côn trùng hút máu (ruồi muỗi, ve, mòng…); mạnh dạn mở rộng đối tượng gia súc được tiêm vắc-xin VDNC (tiêm cho bê, nghé từ một tháng tuổi trở lên), kịp thời rà soát, tiêm phòng bổ sung cho gia súc mới sinh, mới lớn, gia súc mới nhập vào địa phương; không nên để xảy ra dịch mới tổ chức tiêm phòng. Hiện nay các doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 2,7 triệu liều vắc-xin, đã cung ứng hơn 2 triệu liều cho các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò (bao gồm: 1,45 triệu liều cho 33 tỉnh, thành phố; hơn 555 nghìn liều cho 27 cơ sở chăn nuôi); thời gian tới sẽ tiếp tục nhập khẩu hơn ba triệu liều vắc-xin để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Nếu làm tốt sẽ khống chế được dịch bệnh, góp phần bảo đảm sản xuất và tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()