Ngăn chặn buôn bán động, thực vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học
- Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngắn chặn hoạt động buôn bán các loài động, thực vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 578.020 ha diện tích đất có rừng, trong đó có 257.193 ha rừng tự nhiên, trên 320.827 ha rừng trồng. Với điều kiện địa lý, tự nhiên, khí hậu phong phú, Lạng Sơn có hệ sinh thái đa dạng, đặc biệt là các loài động vật, thực vật quý hiếm.
Những năm qua, nhận thức được việc bảo vệ động, thực vật hoang dã, quý hiếm góp phần bảo vệ thiên nhiên phát triển bền vững, các cơ quan, đoàn thể, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động để bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó, chú trọng đến việc ngăn chặn buôn bán, khai thác, săn bắt các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm ở khu vực biên giới cũng như trong nội địa.
Theo đó, lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp với người dân khu vực biên giới thường xuyên tổ chức tuần tra trên các tuyến nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ buôn bán, vận chuyển động, thực vật quý hiếm qua biên giới và các loài sinh vật ngoại lai vào nội địa.
Cùng với đó, lực lượng công an tỉnh tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt thông tin cũng như xác định địa bàn trọng điểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội để có biện pháp đấu tranh kịp thời với các hành vi vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển động, thực vật hoang dã, loài nguy cấp quý hiếm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trung tá Phùng Văn Hoàng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Cảnh sát kinh tế), Công an tỉnh cho biết: Để bảo tồn đa dạng sinh học, chúng tôi đã tăng cường lực lượng, tổ chức ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động săn, bắt, giết mổ, buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã. Từ năm 2023 đến nay, riêng lực lượng công an tỉnh đã đấu tranh, bắt giữ trên 30 vụ với 41 đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý, hiếm, đã khởi tố 14 vụ, 21 bị can.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý khu dự trữ thiên nhiên Hữu Liên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh Mẫu Sơn và khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bắc Sơn đã tổ chức tuần tra, ngăn chặn các hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã của người dân và kiểm tra rừng nhằm ngăn chặn việc khai thác gỗ trái phép, ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của các loài…
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức trên 2.460 cuộc kiểm tra, tuần rừng, tập trung trọng điểm các tuyến đường rừng huyết mạch, các khu vực rừng tự nhiên và rừng giáp ranh với các tỉnh bạn; phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời các hành vị săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã; tuyên truyền các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ động, thực vật hoang dã đến người dân...
Theo ông Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hưởng ứng các hoạt động Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5), hằng năm, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các huyện, thành phố triển khai đồng loạt các hoạt động hưởng ứng phù hợp với tình hình thực tế và đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi buôn bán, vận chuyển, săn bắn, khai thác trái phép động, thực vật hoang dã, quý hiếm; ngăn chặn các loài sinh vật ngoại lai xâm hại có thể mang mầm bệnh, gây mất cân bằng sinh thái.
Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng cảnh sát kinh tế, môi trường đã phát hiện 134 vụ, 141 đối tượng vi phạm; cơ quan chức năng đã khởi tố 10 vụ 23 bị can, xử phạt hành chính 76 vụ, 76 đối tượng với tổng số tiền trên 226 triệu đồng.
Lực lượng kiểm lâm xử lý 99 vụ vi phạm, tịch thu 196,995 m3 gỗ tròn các loại, trong đó có loài nguy cấp, quý, hiếm; trên 270kg và 7,5 ster thực vật rừng ngoài gỗ và nhiều động vật rừng; thả 6 cá thể động vật rừng như: chim cao cát bụng trắng, khỉ đuôi lợn, rắn hổ chúa về môi trường tự nhiên.
Từ việc các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng triển khai đồng loạt các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, đã góp phần thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm.
Anh Hoàng Văn Nguyện, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia chia sẻ: Nhờ được công an cũng như cán bộ thị trấn tuyên truyền, chúng tôi không vào rừng săn bắn thú rừng, không buôn bán, khai thác các loài cây quý hiếm, bảo vệ rừng để những loài động vật quý hiếm của địa phương sinh sống phát triển.
Bảo tồn động, thực vật hoang dã chính là bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian tới, các lực lượng chức năng trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn hành vi buôn bán, khai thác, săn bắt động, thực vật hoang dã, quý hiếm không để hình thành điểm nóng, phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đồng thời tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đa dạng sinh học. Qua đó, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc thay đổi hành vi và thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ý kiến ()