Ngăn chặn “bóng ma” khủng hoảng ngân hàng
Những quan ngại về nguy cơ khủng hoảng hệ thống tài chính toàn cầu đã gia tăng những ngày qua sau sự sụp đổ của hai ngân hàng ở Mỹ và ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ là Credit Suisse.
Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tuy nhiên, từ những “bài học xương máu” của các cuộc khủng hoảng trước đây cũng như phản ứng hiệu quả của giới chức Mỹ và châu Âu, nguy cơ khủng hoảng ngân hàng lan rộng trên toàn cầu đã từng bước được ngăn chặn.
Sau khi một số ngân hàng Mỹ lâm vào khủng hoảng, các ngân hàng châu Âu đã rất quan ngại về nguy cơ “hiệu ứng domino” lây lan sang Lục địa già. Theo hãng tin Reuters, ít nhất hai ngân hàng lớn ở châu Âu đang xem xét các kịch bản đổ vỡ lây lan sau sự sụp đổ của hai ngân hàng ở Mỹ và ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ.
Reuters không nêu tên hai ngân hàng châu Âu, nhưng tiết lộ rằng lãnh đạo cấp cao của hai ngân hàng này cho biết họ đã có các cuộc thảo luận nội bộ về việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nên cân nhắc sớm hỗ trợ các ngân hàng trong khu vực, đặc biệt trong vấn đề vốn và thanh khoản. Các giám đốc điều hành cho biết ngân hàng của họ và hệ thống ngân hàng châu Âu đều có lượng vốn hóa và khả năng thanh khoản tốt, tuy nhiên họ lo ngại cuộc khủng hoảng niềm tin vào ngành ngân hàng hiện nay có thể ảnh hưởng tới nhiều ngân hàng cho vay.
Mối lo lớn về “hiệu ứng domino”
Giới chức tài chính tại châu Âu và Mỹ cũng quan ngại rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng sẽ “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế khu vực. Ở châu Âu, các công ty vẫn chủ yếu dựa vào các khoản vay ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp và điều này có nghĩa là nền kinh tế thực sự nhạy cảm với hoạt động ngân hàng. ECB cho biết, đang theo dõi căng thẳng thị trường và sẽ có phản ứng khi cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính trong khu vực đồng euro.
Tại Mỹ, mối quan ngại khủng hoảng ngân hàng “cản bước” phục hồi kinh tế đang gia tăng. Cuối tuần qua, Cựu Giám đốc điều hành của Ngân hàng Goldman Sachs Lloyd Blankfein nhận định, sự đổ vỡ của một số ngân hàng vừa qua ở Mỹ sẽ thúc đẩy quá trình thắt chặt tín dụng nói chung và làm chậm bước tiến của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hành động kịp thời của giới chức Mỹ, các nước phương Tây và phân tích của các chuyên gia cho thấy, cuộc khủng hoảng ngân hàng lần này là đáng lo, nhưng không nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng ngân hàng châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Blankfein trong trả lời phỏng vấn kênh CNN cho rằng, chắc chắn tình hình hiện tại ở nhiều khía cạnh sẽ diễn biến tương tự như việc nâng lãi suất. Trong bối cảnh mới, các ngân hàng sẽ cho vay ít hơn, vì thế sẽ có ít tín dụng hơn, và ít tín dụng hơn sẽ đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế bị “giảm tốc”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cho biết, khủng hoảng ngân hàng đã hạ nhiệt, ông cũng lên tiếng trấn an người dân rằng tiền gửi của họ sẽ được an toàn. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, hệ lụy của cuộc khủng hoảng ngân hàng với kinh tế Mỹ sẽ còn kéo dài. Các nhà phân tích dự đoán rằng với cuộc khủng hoảng ngân hàng và tình hình kinh tế hiện nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 22/3, theo đó tăng trưởng kinh tế sẽ suy giảm.
Kịch bản khủng hoảng năm 2008 sẽ không lặp lại
Sự đổ vỡ của một số ngân hàng Mỹ những ngày qua đã làm dấy lên mối lo về “bóng ma” khủng hoảng đe dọa kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hành động kịp thời của giới chức Mỹ, các nước phương Tây và phân tích của các chuyên gia cho thấy, cuộc khủng hoảng ngân hàng lần này là đáng lo, nhưng không nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng ngân hàng châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. FED và một loạt ngân hàng trung ương của Canada, Vương quốc Anh, Nhật Bản, EU và Thụy Sĩ ngày 19/3 đã công bố cơ chế phối hợp đặc biệt để cải thiện khả năng tiếp cận thanh khoản của các ngân hàng.
Động thái này đã giúp xoa dịu những cơn hoảng loạn đang gây xáo trộn hệ thống tài chính toàn cầu. Trong một tuyên bố chung, các ngân hàng trung ương nêu trên cho biết để cải thiện hiệu quả hoạt động hoán đổi tiền tệ bằng đồng USD, họ đã nhất trí sẽ thực hiện hoạt động đáo hạn bảy ngày trên cơ sở hằng ngày thay vì hằng tuần như hiện nay. Biện pháp này sẽ giúp các ngân hàng trung ương ngoài Mỹ tiếp cận nhiều hơn với USD. Việc hoán đổi tiền tệ như trên cũng cho phép các ngân hàng trung ương có được các khoản ngoại tệ để phân phối cho giao dịch của các ngân hàng thương mại trong nước từ các ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS tuyên bố đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD, cũng đã giúp giảm bớt lo lắng của thị trường về nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng ở châu Âu. Đây là lý do khiến thỏa thuận mua lại Credit Suisse của UBS đã nhận được sự hoan nghênh từ cộng đồng quốc tế. Trước đó, Credit Suisse – ngân hàng 167 năm tuổi và lớn thứ hai của Thụy Sĩ – đã chịu nhiều áp lực sau sự sụp đổ của hai ngân hàng tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB).
Michael Every, chiến lược gia toàn cầu của Rabobank, cho rằng “sẽ không có bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nào sắp tái diễn”. Ông khẳng định rằng “kịch bản khủng hoảng năm 2008 sẽ không lặp lại” vì một lý do rất rõ ràng, đó là các ngân hàng nhìn chung có vốn đầu tư tốt hơn nhiều và chất lượng tín dụng không có vấn đề gì.
Một chuyên gia khác là Betsey Stevenson, người từng là cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng khẳng định với báo giới rằng ông không coi đây là “cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2.0” và không nhận thấy khả năng thanh toán của hệ thống có vấn đề gì.
Thậm chí, một số chuyên gia kinh tế còn cho rằng, với những nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay có thể sẽ là cơ hội tăng dự trữ ngoại hối, giảm lãi suất. Bên cạnh đó, đây cũng nên được xem là “hồi chuông cảnh báo” quý giá giúp các ngân hàng trung ương rà soát, cải cách hệ thống ngân hàng của mình để nâng cao khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài và tránh được các cuộc khủng hoảng tồi tệ trong tương lai.
Ý kiến ()