Thứ 7, 23/11/2024 05:26 [(GMT +7)]
Ngăn chặn bệnh tay - chân - miệng ở TP Hồ Chí Minh
Thứ 7, 21/05/2011 | 14:10:00 [(GMT +7)] A A
Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh có chín ca tử vong do bệnh tay – chân – miệng (TCM), chỉ riêng từ đầu tháng 5 đến nay, đã có ba ca tử vong do bệnh này. Số trẻ phải nằm điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn do bệnh này tăng cao.
Điều trị cho trẻ mắc bệnh tay – chân – miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Trẻ nhập viện tăng hơn 90%
Thời điểm này, tại các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, số trẻ bị TCM nhập viện tăng lên đột biến. Số trẻ nằm điều trị bệnh TCM quá đông khiến cho Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 quá tải. Nhiều giường bệnh phải nằm ghép hai, ba bệnh nhi. Mỗi ngày, khoa điều trị cho khoảng 100 trẻ bị TCM. Chỉ trong tháng 4 đã điều trị hơn 860 ca TCM (gấp gần ba lần so với tháng 3), trong đó có khoảng 10% số ca bệnh nặng và đã có bốn ca tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số bệnh nhi nằm điều trị TCM cũng liên tục tăng cao. Trong tháng 4 số ca TCM được điều trị tại bệnh viện gần 300 ca, gấp hơn hai lần so với tháng 3 và bệnh viện đã ghi nhận ba ca tử vong do bệnh này. Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị cho khoảng 60 trẻ bị TCM.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong tháng 4 TP Hồ Chí Minh ghi nhận 595 trẻ bị mắc TCM, tăng hơn 92% so với tháng 3 và tăng 97% so với cùng kỳ năm 2010. Hiện nay, bệnh đã lan thành dịch, xuất hiện tại 225/322 xã, phường thuộc 24 quận, huyện có trẻ mắc TCM. Các quận có số trẻ mắc TCM cao là Tân Bình, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp…
Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch
Theo TS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thông thường tới tháng 9, tháng 10, bệnh TCM mới vào đỉnh dịch, nhưng hiện nay số ca bệnh đã tăng lên đột biến và xuất hiện ở tất cả các quận, huyện của thành phố. Nếu bốn tháng đầu năm 2010 cả thành phố chỉ có một ca tử vong do TCM, thì năm nay số ca tử vong đã là chín trường hợp. Một trong những nguyên nhân khiến cho công tác phòng, chống dịch chưa tốt là do tư tưởng chủ quan, các quận, huyện chưa thực hiện tốt công tác chống dịch. Thêm vào đó, người dân chưa có thói quen sử dụng thuốc khử khuẩn Rodamin B và giữ gìn vệ sinh, chủ động phòng bệnh. Nếu không làm tốt công tác phòng, chống dịch thì bệnh sẽ tiếp tục bùng phát và lây lan. Vì vậy, ngành y tế thành phố coi công tác phòng, chống TCM là một nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.
Để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống TCM, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh mở đợt khử bằng Cloramin B trên phạm vi toàn thành phố, nhằm đồng loạt khử mầm bệnh. Hiện nay, số trẻ mắc bệnh hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó 70% là trẻ dưới ba tuổi. Vì vậy ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục huấn luyện phòng bệnh TCM cho các trường mầm non, nhà trẻ, mẫu giáo. Bên cạnh việc thành lập các đoàn thanh tra để kiểm tra và xử lý kịp thời dịch bệnh tại các quận, huyện, ngành y tế sẽ tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để người dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh TCM do vi-rút gây ra, lây chủ yếu qua tiếp xúc và hô hấp, vì vậy người dân có thể phòng tránh bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ và môi trường sống chung quanh. Trẻ bị bệnh nặng có thể biến chứng sang các bệnh viêm não, suy hô hấp và dẫn tới tử vong. Vì vậy, khi phát hiện các biểu hiện về bệnh như: sang thương ở da và niêm mạc dưới dạng bóng nước, đặc biệt ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối… phải đưa ngay trẻ tới các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Ngăn chặn dịch tay chân miệng trong trường học
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) yêu cầu chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, không để lây lan trong các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học. Theo đề nghị của ngành y tế, các cơ sở giáo dục cần theo dõi hằng ngày, nhất là khi trẻ đến lớp, nhằm phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình và cơ quan y tế xử lý kịp thời. Cách ly y tế tại nhà đối với trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Khi có từ hai trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh thì cho lớp nghỉ học trong mười ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng. Làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi bằng cloramin B 2%; tráng nước sôi trước khi sử dụng bát, đũa, cốc cho trẻ. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, trong bốn tháng đầu năm đã có gần 4.000 ca mắc tay chân miệng trong cả nước và có chiều hướng gia tăng ở các tỉnh phía nam.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()