Ngăn chặn bệnh dại: Lấy phòng là chính
LSO-Tuy không phải là địa bàn “nóng” so với cả nước song những năm qua, Lạng Sơn đều có những trường hợp tử vong do bị chó dại cắn.
LSO-Tuy không phải là địa bàn “nóng” so với cả nước song những năm qua, Lạng Sơn đều có những trường hợp tử vong do bị chó dại cắn. Trong khi đàn chó nuôi chưa được quản lý chặt chẽ, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó còn thấp thì nhiều người dân khi bị chó nghi dại cắn vẫn chủ quan không đi tiêm phòng. Chính những điều này khiến cho việc bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ bệnh dại gặp nhiều khó khăn.
Tiêm phòng bệnh dại cho trẻ em bị chó nghi dại cắn |
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hàng năm ở Lạng Sơn đều có người tử vong vì bị chó dại cắn, trong đó có những năm như 2008 có tới 3 trường hợp (ở Bắc Sơn và TP Lạng Sơn), 2010 có 2 trường hợp (ở Văn Quan và Bắc Sơn). Gần đây nhất, năm 2012 là trường hợp một người dân ở xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, bị chó dại cắn nhưng không tiêm vắc xin phòng dại, đến khi phát bệnh, được đưa đến trung tâm y tế huyện thì đã vô phương cứu chữa.
Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây nên. Bệnh lây từ súc vật bị dại (chủ yếu là chó, mèo) sang súc vật khỏe và sang người người qua nước bọt ở vết cắn, vết xước, vết liếm trên lớp da, niêm mạc bị tổn thương… Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cho đến nay, vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu khi bệnh đã bộc phát nên tỷ lệ tử vong khi phát bệnh là 100%. Chính vì vậy, khi bị chó, mèo nghi dại cắn, chỉ có cách tiêm vắc xin phòng dại sớm và đúng mới mong cứu sống được người bệnh. Hiện trung bình hàng năm Lạng Sơn có gần 2.000 người phải đi tiêm phòng do bị chó nghi dại cắn, 8 tháng đầu năm 2013, con số này là 1.016 người. Tuy nhiên bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn lơ là, xem nhẹ sự nguy hiểm của bệnh dại, chủ quan không đi tiêm phòng khi bị chó nghi dại cắn, vì thế đã dẫn đến những cái chết thương tâm. Ví như các trường hợp tử vong kể trên, tất cả bệnh nhân đều không tiêm phòng, khi phát bệnh mới tìm đến cơ sở y tế thì đã quá muộn.
Ở nước ta, nguồn truyền bệnh dại cho người được xác định chủ yếu là chó, mèo nuôi, trong đó chó nhà chiếm tới hơn 90%. Cho nên muốn ngăn ngừa bệnh dại lây sang người thì giải pháp hữu hiệu là quản lý chặt chẽ, tăng cường tiêm phòng dại trên đàn chó. Thế nhưng trên thực tế, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, ở Lạng Sơn tỷ lệ chó nuôi được tiêm vắc xin phòng dại còn thấp. Ngay như ở địa bàn trung tâm là TP Lạng Sơn, năm 2012, có 2.733 con chó được tiêm phòng trong tổng số khoảng 6.000 con, đạt tỷ lệ 45,5%; 8 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ này là 32,3% (1.680/5.200 con). Ông Lưu Đức Bảo-Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: hàng năm, thành phố đều xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm phòng dại cho đàn chó, ngoài việc tiêm phòng tập trung (thường từ tháng 5-tháng 7), cán bộ thú y còn thường xuyên rà soát, tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng cho chó và tiến hành tiêm bổ sung. Song nhiều người dân vẫn chủ quan không tiêm phòng dại cho vật nuôi, trong khi đó, lại chưa có quy định, chế tài cụ thể để bắt buộc họ phải làm việc này. Hiện nay, ở các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn, vẫn còn tình trạng thả rông chó; không ít người còn chưa nhận thức hết được sự nguy hiểm của bệnh dại. Bà Hoàng Thị Cải, ở phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn cho biết: nhà tôi nuôi 3 con chó, mấy năm qua không tiêm phòng nhưng chưa thấy con nào bị sao cả. Với lại, chó hoang mới sợ chứ chó nhà mình là chó nuôi thì khó mà bị dại được. Bà Vi Thị Liên, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan bộc bạch: quanh làng tôi, không ai tiêm phòng dại cho chó nên tôi cũng không tiêm, chó nhà tôi cũng lành, chưa cắn người bao giờ nên không đáng ngại lắm.
Theo số liệu của Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 175 ngàn người phải tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó nghi dại cắn và 63 người tử vong do dại (tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc), 100% số ca tử vong này đều không đi tiêm phòng. Để ngăn ngừa bệnh dại lây từ động vật sang người, giảm thiểu số người bị chó cắn và tử vong do dại, hơn hết, mỗi gia đình, mỗi người dân cần chủ động phòng ngừa bằng việc tiêm vắc xin phòng dại định kỳ cho chó, mèo nuôi; không để chó chạy rông; cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn tiêm phòng khi bị chó nghi dại cắn…
Trước thực trạng bệnh dại có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, trong tháng 8 và tháng 9/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế đều có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại. Theo đó, yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền về sự nguy hiểm và hậu quả của bệnh dại; vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại và đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng khi bị chó nghi dại cắn; tăng cường tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán chó, mèo… |
BẢO VY
Ý kiến ()