Ngắm bộ sưu tập cá nhân trang phục triều Nguyễn hiếm có tại Huế
Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng với “bảo vật” sưu tầm được. |
Nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ khi được chứng kiến bộ sưu tập có một không hai ấy của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng (ngụ tại số 10 Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) .
Nguyễn Hữu Hoàng đang sở hữu hơn 100 chiếc áo thời Nguyễn, trong đó có áo dùng cho vua (long bào), áo cho hoàng hậu (hoàng bào), áo hoàng tử, áo công chúa, áo cung nữ, áo quan đại triều, áo quan thượng triều…
Để sở hữu được những trang phục ấy, bên cạnh cơ duyên còn là một hành trình lăn lộn, ngược xuôi khắp các huyện vùng núi miền Tây tỉnh Quảng Trị và các bản làng biên giới nước bạn Lào của nhà sưu tập; có những chiếc phải mất hơn chục năm theo đuổi, anh Hoàng mới sưu tập thành công.
Chiếc áo võ quan triều Nguyễn mà nhà sưu tập phải dày công mới có được. |
Trong số này có thể kể đến chiếc áo quan nhị phẩm được dệt thất thể (bảy màu) có hình tứ linh (long, lân, quy, phụng) mà anh phải kỳ công mới đưa được vào bộ sưu tập của mình.
Theo lời anh kể, qua một người quen biết, anh nhận được thông tin về chiếc áo do một người Vân Kiều ở huyện Mường Noòng (tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào) sở hữu.
Mất nhiều ngày trời lặn lội đến nơi để xin xem, nhưng chủ nhân lấy lý do: “Áo của cha để lại. Cha chết rồi nên muốn xem áo phải làm lễ, cúng gà”. Anh Hoàng đồng ý. Sau khi cho anh xem áo xong, gia chủ lại đổi ý không bán nữa. Không bỏ cuộc, anh Hoàng tiếp tục thuyết phục và vào đầu năm 2015, anh đã sở hữu được chiếc áo này.
Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng đã trưng bày, giới thiệu với công chúng nhiều “bảo vật” trong số này. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, du khách… khi được chiêm ngưỡng long bào, hoàng bào, y phục đại triều… đều trầm trồ trước vẻ lộng lẫy của những trang phục ấy.
Anh Hoàng cho biết, với điều kiện thời tiết ở Việt Nam, loại tơ lụa này rất khó bảo quản, dễ mục nát và bị côn trùng cắn phá. Vì thế, anh đã quyết định chuyển nhượng cho Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh hơn 40 bộ trang phục triều Nguyễn với ước mong, “bảo vật” vừa được bảo quản tốt hơn vừa phát huy được giá trị văn hoá, lịch sử.
Ý kiến ()